RAM mở rộng là gì?

Trang How-to Geek đem lại cái nhìn toàn diện về tính năng bộ nhớ tạm (RAM) mở rộng trên một số điện thoại Android.

Vài năm gần đây, sản phẩm của nhiều hãng được giới thiệu có “Extend RAM”, “RAM Plus”, “Virtual RAM”, “Memory Fusion” hay “Dynamic Memory”. Tất cả đều chỉ tính năng mở rộng dung lượng RAM trên điện thoại.

RAM mở rộng là gì?

Khi ta tải ứng dụng, điện thoại sẽ lưu chúng vào bộ nhớ trong. Nhưng khi ta mở ứng dụng thì chúng phải được tải sang RAM, vì bộ nhớ trong không đủ nhanh để chạy ứng dụng. Dung lượng RAM càng lớn thì càng có thể mở nhiều ứng dụng.

RAM mở rộng không phải một phần của RAM mà là một phần của bộ nhớ trong, được cải biến để hoạt động như RAM. Nếu hãng giới thiệu RAM điện thoại 8 GB (gigabyte) + 5 GB, có nghĩa 5 GB bổ sung lấy từ bộ nhớ trong. Như vậy nếu bộ nhớ trong ban đầu là 128 GB thì chỉ còn 123 GB mà thôi (bỏ qua dung lượng mà hệ điều hành cần). RAM mở rộng có phân vùng riêng nên ta có thể điều chỉnh dung lượng của chúng trong phần cài đặt.

Cách thức hoạt động

Nhiều điện thoại thiết lập RAM mở rộng ở chế độ hoạt động mặc định. Người dùng tùy ý điều chỉnh dung lượng “mượn” trên bộ nhớ trong hoặc tắt tính năng.

Khi ta thoát ứng dụng, hệ điều hành không lập tức tắt mà giữ chúng hoạt động ngầm để tải nhanh hơn ở lần mở tiếp theo. Hệ thống quản lý bộ nhớ của Android quyết định tắt ứng dụng nào, tắt lúc nào. Hầu hết ứng dụng đều được tải trong RAM, vì vậy RAM luôn trong trạng thái gần đầy.

Nếu ta mở thêm ứng dụng thì hệ thống tự động tắt một ứng dụng ưu tiên thấp giúp giải phóng RAM. Đây là lúc RAM mở rộng phát huy tác dụng: ứng dụng ưu tiên thấp được chuyển sang phần dung lượng “mượn” thay vì tắt đi, nên mở lại ứng dụng này sẽ nhanh hơn.

RAM mở rộng không làm được gì?

Ứng dụng lúc được mở không bao giờ tải trực tiếp sang RAM mở rộng. Vì vậy dù điện thoại có 8 GB dung lượng “mượn” cũng chẳng tăng hiệu suất thiết bị. Ứng dụng đang hoạt động cũng không chạy trên đây nên trò chơi hoặc bất cứ ứng dụng đòi hỏi dung lượng cao nào khác không chạy nhanh hơn khi bật RAM mở rộng. Thậm chí do phải chuyển ứng dụng qua lại giữa RAM vật lý với RAM mở rộng nên điện thoại sẽ bị chậm đi. Tắt ứng dụng ưu tiên thấp sẽ nhanh hơn là chuyển chúng sang nơi lưu trữ khác.

Bộ nhớ trong có tuổi thọ hạn chế và suy giảm sau mỗi chu kỳ đọc/ghi dữ liệu. RAM mở rộng càng khiến tuổi thọ bộ nhớ giảm thêm, dung lượng lưu trữ cũng giảm.

Với điện thoại sở hữu RAM vật lý 8 GB hay 12 GB, RAM mở rộng chẳng phát huy tác dụng nhiều. Nhưng tính năng này lại cho phép điện thoại RAM dưới 8 GB hoạt động đa nhiệm tốt hơn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ram-mo-rong-la-gi-222815.html