RAM trên nhiều máy tính sắp trở nên lỗi thời
Chuẩn RAM mới với nhiều ưu thế sẽ trở thành tiêu chuẩn của ngành máy tính cá nhân trong vài năm tới. Vấn đề nằm ở thời gian cập nhật và giá bán linh kiện.
CAMM2 được xem là một trong những nâng cấp phần cứng giá trị nhất ở ngành linh kiện máy tính những năm gần đây. Nó cung cấp giải pháp tốc độ cao và hiệu quả cho cả PC và laptop.
Thiết kế ban đầu của chuẩn CAMM (Compression Attached Memory Module) đến từ Dell. Sau đó, bản mẫu được gửi đến hội tiêu chuẩn hóa định dạng bộ nhớ JEDEC để mở rộng giải pháp. Từ đó, các máy tính có RAM chuẩn này dần xuất hiện nhưng chưa phổ biến. Mãi đến Computex 2024, các thiết bị, linh kiện hỗ trợ CAMM2 mới gây ấn tượng.
ThinkPad P1 gen 7 của Lenovo là máy tính xách tay đầu tiên hỗ trợ chuẩn này. Tại Computex 2024, MSI cũng trưng bày bo mạch chủ hỗ trợ loại RAM mới. Các nhà sản xuất linh kiện lớn đều sớm gia nhập cuộc đua CAMM2. Trong đó, Kingston vừa giới thiệu dòng Kingston FURY Impact DDR5 theo chuẩn mới, với dung lượng 32 GB mỗi thanh. Sản phẩm được giới thiệu có hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng với kích thước nhỏ gọn hơn.
Các thanh RAM CAMM2 có hình chữ nhật, phù hợp cho cả máy chủ, PC và laptop. Khác biệt quan trọng nhất nằm ở cách lắp đặt. Bộ nhớ gắn vào máy tính bằng vít thay vì kiểu khóa kẹp. Thao tác không quá phức tạp với người dùng cuối, tương tự như cách lắp một ổ SSD.
Cách bố trí theo chiều ngang giúp hạn chế chiếm dụng không gian bên trong bộ máy. Thay đổi này có lợi cho các dòng laptop đời mới, vốn phải ưu tiên cho độ mỏng. Trước đó, nhiều nhà sản xuất chọn cách dùng RAM “hàn chết” trên bo mạch. CAMM2 có thể trở thành cách giúp tối ưu không gian đồng thời duy trì khả năng nâng cấp.
Với PC, giải pháp gắn chặt RAM lên bo mạch không gây cản trở luồng khí trong case. Linh kiện này có thể được đặt gần CPU hơn, tối ưu băng thông khi xử lý các tác vụ yêu cầu tốc độ cao.
Tuy nhiên, vấn đề của CAMM2 vẫn giống như nhiều giải pháp mới khác. Người dùng sẽ không có quá nhiều lựa chọn trong thời gian đầu, giá chênh lệch với chuẩn cũ cùng dung lượng.
Đối thủ chính của tiêu chuẩn này là giải pháp SoC (System-on-chip) được Apple và nhiều hãng ưa chuộng gần đây. Việc đặt bộ nhớ như một thành phần chung trong bộ xử lý giúp tối ưu năng lực con chip và giảm độ trễ. Thứ người dùng phải đánh đổi là khả năng nâng cấp hạn chế.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ram-tren-nhieu-may-tinh-sap-tro-nen-loi-thoi-post1481753.html