Rắn ráo
Ngày tôi còn nhỏ, ở quê miền Trung, rắn nhiều vô kể. Đủ loại rắn, to nhỏ, hiền dữ, độc và không độc quần cư khá hòa thuận cùng nhau. Ngày ấy đất rộng người thưa, môi trường còn hoang dã, rắn cứ vô tư mà sinh sôi.
Khác với người phương Nam, người miền Trung rất sợ rắn. Có một loại rắn không to cũng không độc, nhưng làm cho trẻ con sợ chết khiếp: rắn ráo!
Rắn ráo nói ở đây là rắn ráo trâu (gọi theo từ điển sinh vật rừng Việt Nam) có tên khoa học là Ptyas mucosus, để phân biệt với một giống rắn họ hàng cũng được sách gọi bằng tên rắn ráo (hay rắn ráo thường), nhưng người miền Trung lại gọi là rắn lãi. Tên khoa học của giống rắn này là Ptyas korros. Tiếng có họ hàng, nhưng tập tính của hai giống rắn này khác nhau xa. Rắn lãi dù thân hình to lớn nhưng lại rất hiền lành. Còn rắn ráo thì… ôi thôi, khỏi nói, bé người nhưng “du côn” phát sợ!
Rắn ráo có thân hình không lớn lắm. Mình rắn có màu xám nâu, đôi khi hơi ánh vàng. Hai phần ba thân đổ về đuôi có những vằn đen kích thước không đều chạy vòng ngang thân, đứt đoạn ở phần bụng. Bụng rắn màu vàng, bờ sau các tấm vảy bụng có viền đen. Tiếng rắn lành, nhưng đầu rắn ráo lại hơi bạnh, cổ thắt nên trông rất giống rắn độc. Thêm nữa, cái đầu xám nâu điểm thêm những sọc đen hơi vàng vằn vện hai bên má khiến bộ dạng con rắn ráo càng thêm hung dữ!
Mà rắn ráo dữ thiệt! Gặp nguy, rắn ráo không bao giờ tự vệ thụ động. Nó luôn chủ động tấn công và tấn công rất “sát thủ”! Cảm thấy bị đe dọa, cho dù đối phương lớn hơn gấp nhiều lần, rắn ráo cũng không ngần ngại bạnh cổ, ngóc đầu rít lên, sau đó… quăng mình, lao ngay vào trận. “Võ nghệ” của rắn ráo khá lợi hại. Nó có khả năng ra đòn đa dạng và nhanh như chớp. Thường đối phương to xác thì phản ứng chậm. Mà đối mặt với rắn ráo, chậm một chút là cầm chắc dính đòn ngay, không trật! Đa số loài vật trước khi giao đấu thường có giai đoạn vờn: thận trọng thăm dò đối phương trước khi thật sự tấn công. Rắn ráo thì khỏi, thấy nguy, nó lập tức nhào tấn công phủ đầu ngay, không để đối phương kịp định thần, nhận ra kẻ đối mặt mình thuộc dạng nào mà biết phương tự vệ! Thật dễ hiểu vì sao nhiều loài “võ công” không hề thua kém chú rắn ráo mảy may, nhưng vẫn cứ… chạy có cờ khi bị rắn ráo hù dọa.
Ngày nhỏ, tôi và lũ bạn từng bị rắn ráo rượt chạy trối chết nhiều lần. Ban đầu là vô ý quấy nhiễu rắn. Sau biết được tập tính hung dữ của rắn thì lại sinh chứng nghịch tinh: cố tình trêu để rắn… nổi khùng rượt chạy chơi! Đó là một trò chơi gây cảm giác mạnh. Dù biết con rắn ráo không độc, nhưng mỗi bận bị rắn nổi điên “truy sát”, chúng tôi vẫn luôn chạy bán mạng, vấp té dúi dụi, mặt cắt không còn giọt máu!
…Sau này lớn lên, nghĩ lại, tôi mới thấy nể con rắn ráo vô cùng. Trong thế giới loài vật, nó quả là một chiến binh dũng cảm, “to gan” ít thấy. Không được trang bị lợi hại như những người anh em có nọc độc trong họ hàng nhà rắn, nhưng con rắn ráo - bằng sự nhanh nhẹn, quả cảm - cũng đã làm cho không ít đối phương khiếp vía, còn hơn cả các loài rắn độc! “Võ nghệ tuyệt luân” như thế nên rắn ráo cũng thuộc loài săn mồi rất giỏi - đặc biệt là chuột. Cùng với các anh em đồng loại, rắn ráo đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sự sinh sôi của loài gặm nhấm đáng sợ này. Có điều, ấy cũng đã là chuyện xưa…
Giờ thì, buồn thay, con vật dũng mãnh không biết thua ai cuối cùng vẫn bị thua… con người! Rắn ráo tự nhiên hầu như không còn thấy. Không ai tưởng tượng nổi con vật nửa thế kỷ trước ở quê miền Trung hễ ra ngõ đụng mặt giờ lại gần như vắng bóng. Cũng phải thôi, với cái giá rắn ráo hoang cả triệu đồng một ký mà ta còn gặp chú rắn ráo hoang đi dạo giữa thiên nhiên mới là chuyện lạ!
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325456/ran-rao.html