Rạng Đông Holding (RDP): Chủ tịch HĐQT liên tục bị giải chấp
Trong bối cảnh Công ty kinh doanh thua lỗ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (mã chứng khoán RDP) liên tục bán và bị bán giải chấp tới 19 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 45% xuống hơn 6%.
Doanh nghiệp có nhiều biến động
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Rạng Đông Holding bị bán giải chấp hơn 1,17 triệu cổ phiếu RDP (tương ứng 2,39% vốn điều lệ) trong ngày 1/8/2024, giảm sở hữu từ 4,1 triệu cổ phiếu (8,48%) xuống 2,9 triệu cổ phiếu (6,09%).
Lũy kế kể từ đầu năm 2024, vị chủ tịch này liên tục bán và bị bán giải chấp (riêng bán giải chấp là 16 lần) với khối lượng 19 triệu cổ phiếu RDP, khiến tỷ lệ sở hữu giảm từ 45% vốn điều lệ xuống hơn 6%. Giai đoạn này, cổ phiếu RDP rớt từ vùng giá 9.000 đồng/cổ phiếu xuống 2.500 đồng/cổ phiếu.
Đáng lưu ý, thời gian gần đây, nhân sự cấp cao tại Rạng Đông Holding có sự xáo trộn.
Ngày 6/8/2024, Công ty công bố thông tin bất thường về việc ông Hà Thanh Thiên, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật có đơn xin từ nhiệm ngày 5/8 vì lý do gia đình. Cùng ngày, Hội đồng quản trị ra nghị quyết chấp nhận đơn từ nhiệm, đồng thời bổ nhiệm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật mới là ông Huỳnh Kim Ngân (Giám đốc Công ty Luật TNHH Doanh nhân Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Hưng Đại Sanh).
Trước đó, kể từ đầu năm 2024, Rạng Đông Holding có hai lần thay kế toán trưởng, một lần thay người đại diện pháp luật.
Ngoài ra, cuối tháng 5/2024, Công ty bị Cục Thuế TP.HCM xử phạt hành chính gần 66 triệu đồng; đồng thời phạt lỗi chậm nộp và truy thu gần 340 triệu đồng tiền thuế, do doanh nghiệp khai sai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.
Trong tháng 7/2024, Hội đồng quản trị Rạng Đông Holding ra quyết định tạm ngừng hoạt động của 2 chi nhánh trong vòng 1 năm.
Liên quan đến cổ phiếu RDP, ngày 11/7/2024, HOSE ra thông báo giữ nguyên diện cảnh báo theo quyết định ban hành ngày 17/6/2024 do doanh nghiệp có khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 là hơn 205 tỷ đồng; đồng thời giữ nguyên diện cảnh báo theo quyết định ban hành ngày 16/4/2024 do doanh nghiệp chậm công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Doanh thu ổn định, nhưng lợi nhuận trồi sụt
Doanh thu của Rạng Đông Holding ổn định, nhưng lợi nhuận biến động mạnh và gần đây thua lỗ, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý II/2024 lên 266 tỷ đồng.
Rạng Đông Holding tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 2005, với tên gọi Nhựa Rạng Đông, vốn điều lệ 90 tỷ đồng, cổ đông nhà nước sở hữu 51%.
Ngày 22/9/2009, Công ty niêm yết 11,5 triệu cổ phiếu trên HOSE, giá đóng cửa phiên đầu tiên là 18.000 đồng/cổ phiếu (vốn điều lệ khi đó là 115 tỷ đồng).
Đến năm 2014, cổ đông nhà nước thoái toàn bộ 6,2 triệu cổ phiếu RDP (tương đương 43,36% vốn điều lệ khi đó là hơn 142,6 tỷ đồng). Từ đó, doanh nghiệp nằm trong tay nhóm cổ đông cá nhân, trong đó nắm quyền chi phối là ông Hồ Đức Lam.
Ông Hồ Đức Lam là anh trai ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Điện Quang (mã chứng khoán DQC) và là em trai bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương (giai đoạn 2010 - 2017).
Trong thời gian bà Kim Thoa làm Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hồ Đức Lam từ chỗ sở hữu 70.000 cổ phiếu RDP năm 2012, tương đương 0,6% vốn điều lệ (115 tỷ đồng), đã có động thái mua gom và hoàn tất việc thâu tóm Nhựa Rạng Đông vào cuối năm 2017, với tỷ lệ sở hữu 64,15% (vốn điều lệ khi đó là hơn 282,8 tỷ đồng).
Năm 2019, Nhựa Rạng Đông đổi tên thành Rạng Đông Holding. Giai đoạn 2020 - 2023, doanh thu của Công ty ổn định quanh mức 2.700 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế liên tục trồi sụt, lần lượt là 3,2 tỷ đồng, 37,7 tỷ đồng, 12,5 tỷ đồng và lỗ 146,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khoản lỗ lớn năm 2023 là do Rạng Đông Holding thua kiện cổ đông ngoại Sojitz Planet Corporation (Sojitz), phải trả lại gần 157 tỷ đồng cùng các khoản phí, lệ phí liên quan, khiến chi phí dự phòng tăng vọt.
Trước đó, năm 2016, Rạng Đông Holding ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Sojitz về việc Sojitz cung cấp nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho Công ty. Năm 2017, hai bên ký kết cổ đông chiến lược. Sojitz còn mua 5 triệu cổ phần RDP với giá hơn 174 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Sojitz, Rạng Đông Holding đã vi phạm một số nghĩa vụ về việc đáp ứng các điều kiện sau chuyển nhượng cổ phần. Do đó, cổ đông ngoại này thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả 90% giá mua cổ phần đã thanh toán, tương đương gần 157 tỷ đồng. Vụ việc được đưa ra tòa, kéo dài đến cuối năm 2023, với kết quả Rạng Đông Holding thua kiện, phải trả cho Sojitz gần 157 tỷ đồng và tiền lãi 10%/năm cùng các chi phí liên quan.
Trong nửa đầu năm 2024, Rạng Đông Holding lỗ hơn 65 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 266 tỷ đồng; doanh thu giảm 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 752,7 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch năm 2024 của Công ty là đạt 2.722,2 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 23 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6/2024, Rạng Đông Holding có vốn chủ sở hữu 279,3 tỷ đồng, giảm 18,7% so với đầu năm; nợ phải trả 1.716 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính 1.323 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, tài chính khó khăn, cộng với việc lãnh đạo doanh nghiệp thoái vốn và bị bán giải chấp cổ phiếu khiến giá cổ phiếu RDP liên tục giảm. Đến ngày 9/8, thị giá RDP ở mức 2.220 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 75% so với đầu năm.
Hiện tại, ông Hồ Đức Lam chỉ còn nắm giữ hơn 6% vốn Rạng Đông Holding, những người liên quan đến ông Lam có tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này ở mức thấp, gồm ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Lam) nắm 0,13%, bà Hồ Hoàng Mai (con gái ông Lam) nắm 0,01%, bà Hồ Thị Kim Thoa nắm 0,03%, ông Hồ Quỳnh Hưng nắm 0,01%.