Rạng ngời sắc xuân Pả Chư Tỷ

Sớm cuối đông, đầu xuân, Pả Chư Tỷ - thôn thuộc xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) - vẫn chìm trong sương mù nhưng cái rét không còn như cắt da, cắt thịt. Trong màn sương, tiếng bà con í ới gọi nhau đi chợ tết, những tràng cười rộ lên mà chẳng biết phát ra từ hướng nào.

Nhà Trưởng thôn Ma Seo Tỏa ngay ngã ba đường. Anh đang mải mốt sửa chiếc xe máy cho một người trong thôn. Vừa cặm cụi, Trưởng thôn sinh năm 1990 vừa bảo: Phải sửa nhanh để bà con còn ra chợ, Tết mà!

Pả Chư Tỷ có diện tích cát cánh lớn nhất xã Lùng Phình, với 5,8 ha.

Pả Chư Tỷ có diện tích cát cánh lớn nhất xã Lùng Phình, với 5,8 ha.

Qua câu chuyện ngắt quãng với Trưởng thôn Pả Chư Tỷ, chúng tôi được biết đây là thôn có 100% là đồng bào Mông, với 122 hộ, hơn 600 nhân khẩu. Vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, bà con nơi đây còn rất chủ động, tích cực, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao…

Sương tan dần, Trưởng thôn Ma Seo Tỏa đã sửa xong chiếc xe máy. Chủ xe vội chất mấy bao tải củ cát cánh lên xe, chằng buộc cẩn thận, nổ máy, nói với trước khi phóng đi: Mình mang bán cho xưởng chế biến của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, rồi còn về chợ!

Đúng lúc đó, anh Lê Thế Hùng, cán bộ khuyến nông địa bàn ào đến, mũ, quần áo mưa ướt đẫm sương. Anh khoe vừa đến mấy hộ kiểm tra việc làm đất chuẩn bị trồng cát cánh để tham mưu cho xã xây dựng kế hoạch phát triển loại cây dược liệu này ở Pả Chư Tỷ. “Bà con tích cực, mạnh dạn lắm, các mô hình phát triển kinh tế mới thường được xã triển khai đầu tiên tại thôn này”.

Anh dẫn chứng: Từ năm 2019, thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng cây dược liệu cát cánh, người dân Pả Chư Tỷ đã tự trồng 0,25 ha. Khi xã triển khai mô hình trồng 8 ha cát cánh (nhà nước hỗ trợ trồng 4 ha, doanh nghiệp thực hiện 2 ha và người dân tự trồng 2 ha) thì riêng thôn Pả Chư Tỷ đã trồng 5,8 ha, trong đó người dân tự trồng 2 ha. Mùa vụ trồng cát cánh 2021 - 2022, Pả Chư Tỷ đăng ký trồng 10,8 ha. Hoặc cây đương quy, cả xã có 3,2 ha thì riêng Pả Chư Tỷ đã có 1,5 ha…

Người dân Pả Chư Tỷ cần mẫn trên nương đồi.

Người dân Pả Chư Tỷ cần mẫn trên nương đồi.

Bởi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện những mô hình mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân Pả Chư Tỷ ngày càng được nâng cao. Trong thôn có nhiều hộ làm kinh tế giỏi, như gia đình anh Sầm Seo Lềnh mở cơ sở chế biến gỗ và kinh doanh dịch vụ, bình quân thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng; gia đình anh Sầm Seo Vần kinh doanh dịch vụ tổng hợp và vận tải hàng hóa, bình quân mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng; gia đình anh Hàng Seo Dì thu lãi 28 triệu đồng từ việc trồng 0,25 ha cát cánh (bán hạt giống và bán củ). Gia đình Trưởng thôn Ma Seo Tỏa thì bán hàng tạp hóa kiêm dịch vụ sửa chữa xe máy tại nhà, kết hợp cấy lúa, trồng ngô và chăn nuôi lợn, gà, vịt… riêng năm 2021 thu hơn 200 triệu đồng…

Xuân Nhâm Dần đang về với mọi nhà, mọi người. Với bà con ở Pả Chư Tỷ, mỗi xuân sau lại vui hơn xuân trước bởi sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước kết hợp với sự chủ động, tích cực của người dân mà hạ tầng như điện lưới, đường bê tông, internet… đã đến thôn vùng cao này, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. “Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, thôn sẽ tổ chức lễ hội truyền thống, trong đó có các trò chơi như tù lu (giống như đánh quay), tẩu tí (giống như đánh cầu)… để bà con vui xuân, đón Tết”, Trưởng thôn Ma Seo Tỏa nói.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352694-rang-ngoi-sac-xuan-pa-chu-ty