Rạng ngời truyền thống sau 3 năm vắng lễ hội
Khởi đầu năm mới 2023, giá trị văn hóa truyền thống Việt được tôn vinh và lan tỏa qua các lễ hội.
Mặc dù đã 3 năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19, nhưng lễ hội đầu Xuân 2023 diễn ra đúng như dự báo - chưa ghi nhận sự lộn xộn, mê tín.
Một mùa lễ hội yên bình
Bà Nguyễn Thị Như - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định - cho biết, Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2023 sẽ có lượng khách đông đột biến do 3 năm qua đóng lễ hội vì dịch Covid-19. Lễ khai ấn được tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng - dành riêng cho các đại biểu. Lễ phát ấn sẽ được bắt đầu từ 5 giờ sáng hôm sau tại 3 nhà Giải Vũ và đền Trùng Hoa. Lễ hội năm nay “hợp tuyển” tất cả các hoạt động được phục dựng như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước tế cá, lễ tế nữ quan. Do lễ khai ấn diễn ra vào đúng ngày cuối tuần, lượng khách sẽ rất đông nên địa phương đã chuẩn bị đủ các phương án để đảm bảo an toàn.
Từ đầu mùa lễ hội, Bộ VH,TT&DL đã có nhiều văn bản yêu cầu ngành văn hóa các địa phương tăng cường biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến tiêu chí an toàn và phòng chống các tệ nạn mê tín dị đoan. Các địa phương đã chủ động đưa ra phương án tổ chức và quản lý, đảm bảo cho du khách tham gia lễ hội Xuân 2023 tràn đầy niềm vui, ý nghĩa để khơi gợi tình yêu lịch sử dân tộc cũng như lan tỏa nét đẹp của giá trị văn hóa truyền thống Việt.
Đúng như dự báo của giới chuyên gia, mùa lễ hội Xuân 2023 sẽ bùng nổ số lượng do nhu cầu trẩy hội sau 3 năm “bó gối” vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tổ chức của các địa phương sau nhiều mùa lễ hội lộn xộn, thì năm nay các lễ hội được đánh giá chung là an toàn, lành mạnh.
Ngay từ khi mùa lễ hội chưa bắt đầu, tỉnh Hà Nam đã họp bàn các phương án tổ chức 3 lễ hội lớn: Lễ hội Tịch điền, Lễ Phát lương Đức Thánh Trần (đền Trần Thương), Lễ hội chùa Tam Chúc.
Đến nay, Lễ hội Tịch điền và Lễ hội chùa Tam Chúc đã diễn ra tốt đẹp. Tại chùa Tam Chúc, để tăng cường tính an toàn, ban tổ chức sắm thêm hàng chục ca nô và có biện pháp phòng ngừa trong tình huống bất ngờ. Mặc dù, lượng người kéo về Hà Nam tham quan và du Xuân rất đông, nhưng không còn cảnh lộn xộn như trước đây.
Lễ hội Tịch điền tại cánh đồng Đọi Tín (Duy Tiên - Hà Nam) dù thu hút hàng vạn người đến từ lúc tinh mơ, nhưng không khí khá yên bình. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy khi “vua” đi cày.
Tại Nam Định, hội phiên chợ Viềng - Phủ Dầy họp duy nhất một phiên trong năm từ đêm mùng 7 đến ngày 8 tháng Giêng thu hút đông khách trong Nam ngoài Bắc. Các ngả đường nườm nượp người kéo đến nhưng không bị tắc nghẽn do địa phương đã phân luồng, và tổ chức các lối ra - vào chợ hợp lý.
Riêng Lễ Khai ấn đền Trần sẽ diễn ra từ 11 đến 16 tháng Giêng, nhưng mấy ngày nay khách tham quan đã nô nức đổ về tham quan, vãn cảnh. Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng lộn xộn, chặt chém giá dịch vụ từ ăn uống, gửi xe… trước Lễ Khai ấn không tái diễn. Các địa điểm gửi xe được địa phương quét mã vạch, thu đúng giá nhằm đem đến một hình ảnh đẹp về vùng đất của các vua Trần.
Không khí hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam lại được đánh giá có cách thức tổ chức chuyên nghiệp. Khoảng 200 xe điện, nhiều xe buýt chất lượng cao, xe du lịch nhỏ… được huy động để vận chuyển, tiếp sức cho khách du Xuân không bị “hụt hơi” giữa chừng.
Khách hành hương bái Phật cũng đã nghiêm trang, xếp hàng thẳng lối và trật tự. Tình trạng “ép Phật nhận tiền” như nhét tiền vào tay Phật, bỏ tiền trên bàn thờ… cũng được hạn chế. Các biển cấm, biển báo cũng được dựng lên nhằm hướng dẫn du khách thực hiện đúng các quy định, nêu cao tinh thần văn hóa được chú trọng hơn mọi năm.
Khơi gợi tình yêu lịch sử
Không chỉ là dịp du Xuân, vãn cảnh - lễ hội Xuân 2023 cũng được đánh giá là tỉ mỉ trong việc khơi gợi tình yêu lịch sử và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp.
Lễ hội Tịch điền ở Hà Nam được ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến ý nghĩa khuyến nông thể hiện lòng biết ơn tiền nhân trong việc khai hoang. Đồng thời đề cao quan niệm “lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội”.
Ban tổ chức cũng tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội - trong đó vua Lê Đại Hành là người coi trọng nông nghiệp. Mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), cùng bá quan trực tiếp về cày ruộng ở cánh đồng xã Đọi Sơn để khuyến khích nhân dân mở mang nông trang.
Tương truyền, trong lần cày tịch điền ở núi Đọi, vua cày được một hũ vàng. Khi cày ở núi Bàn Hải lại được một hũ bạc, vì thế những thửa ruộng này được gọi là Kim Điền - Ngân Điền.
Đến thời nhà Nguyễn, cày Tịch điền được tiếp diễn với những sự lệ cụ thể, do Lễ bộ chủ trì. Từ năm 2017 Lễ hội Tịch điền được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Cũng từ đó, ý nghĩa lịch sử của lễ hội được đề cao và khơi gợi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nam - cho biết: Ngoài việc đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, lễ hội chính là dịp tôn vinh văn hóa truyền thống, lan tỏa và khơi gợi tình yêu lịch sử để từ đó bảo lưu các giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/rang-ngoi-truyen-thong-sau-3-nam-vang-le-hoi-post624220.html