Ranh giới nhân văn và tội ác

Riêng việc bỏ án tử hình với việc 'sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; thuốc phòng bệnh' thì tôi thấy chưa hợp lý…

Dân mạng đã và đang rất hoan hỉ với phát biểu của PGS Ts Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc sở an toàn thực phẩm HCM: "Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào", khi bà trình bày ý kiến trước diễn đàn quốc hội về việc có nên bỏ án tử hình với một nhóm tội danh, trong đó có vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; thuốc phòng bệnh, tham ô tài sản; nhận hối lộ...

Các cái khác tôi không bàn vì nhiều người nói rồi, và ngay trong các đại biểu quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến, riêng việc bỏ án tử hình với việc "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; thuốc phòng bệnh" thì tôi thấy chưa hợp lý, tức là ủng hộ hoàn toàn ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan, PGS, TS dược học.

Thấy có ý kiến cho rằng, sản xuất thuốc giả thực ra là vấn đề kinh tế, là lợi nhuận, là tham, vì thế chỉ cần tịch thu rồi phạt về kinh tế và mức cao nhất là tù chung thân không giảm án là đủ.

Thực ra nói thế là mới thấy cây mà chưa thấy rừng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đành rằng, bọn sản xuất thuốc giả là do tham, là do muốn làm giàu nhanh, kể cả ngu dốt nữa. Nhưng tham, ngu dốt gì đi nữa thì chúng cũng phải hiểu, thuốc giả chính là thuốc độc, có thể không chết ngay như thuốc độc kịch độc, nhưng cái chết từ từ còn làm ảnh hưởng xã hội nhiều hơn, tiêu tốn nguồn lực xã hội nhiều hơn, tốn nhiều tiền để cứu chữa hơn. Và nữa, thuốc độc chỉ có thế giết một người hoặc một nhóm người, thuốc giả, nếu đủ độ giả, có thể giết người hàng loạt. Đây chính là tội ác ghê tởm với loài người.

Thì cũng ngay trên diễn đàn quốc hội, trung tướng Nguyễn Hải Trung, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, hiện là thứ trưởng bộ Dân tộc và Tôn giáo đã phát biểu một câu rất hay, dẫn từ một tiểu phẩm hài: "Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ con tôi chết là thật"...

Thực ra thì, trên thế giới, nhiều nước đã bỏ án tử hình. Nước ta cũng đang phấn đấu hướng tới xu thế nhân đạo chung ấy, bởi quyền được sống là quyền thiêng liêng nhất của con người. Nhưng rõ ràng, vẫn phải xét đến những yếu tố có tính chất đặc thù. Một trong những đặc thù ấy, là vấn đề bảo vệ sức khỏe của dân ta.

Hiện nay dân ta vẫn chưa có thói quen bảo vệ chăm sóc sức khỏe một cách văn minh, mà đa phần nếu có hiện tượng bệnh thì thường tự ra hiệu thuốc khai bệnh và mua thuốc, và họ biến những người bán thuốc, may mắn thì có trình độ trung cấp, không thì thấp hơn, thậm chí chỉ là tay ngang bán theo thói quen, thành... bác sĩ. Những "bác sĩ" này chọn thuốc cho bệnh nhân, ghi trên vỏ: buổi sáng 2 viên, buổi chiều 3 viên... chứ những viên thuốc ấy đã bị bóc hết nhãn, chả biết thuốc gì với thuốc gì, chỉ biết thuốc sáng 3 viên, thuốc chiều 2 viên...

Và đây chính là kẽ hở cho thuốc giả lộng hành.

Thì chả phải vừa rồi chúng ta đã, trong một thời gian ngắn, quét cả loạt cơ sở làm giả các thứ, từ thuốc tới sữa rồi thực phẩm chức năng đấy sao. Có những cơ sở hoạt động cả một thời gian dài mãi giờ mới bị phát hiện.

Ngay thuốc xịn kia, nhập vào bệnh viện lớn kia, qua năm tầng bảy lớp kiểm soát chất lượng tới thời gian bảo hành kia, mà bên cạnh các bác sĩ điều trị, kê đơn vẫn cần các dược sĩ lâm sàng để tư vấn và phản biện đơn. Bộ Y tế phải có hẳn công văn hướng dẫn rất cụ thể về dược lâm sàng: "Dược lâm sàng là hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, trong đó người dược sĩ thực hiện vai trò tư vấn về thuốc cho thầy thuốc, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị; đồng thời thực hiện vai trò cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho cán bộ y tế và cho người bệnh".

Thế nhưng không phải ở nước ta bệnh viện nào cũng có dược lâm sàng, huống gì sức khỏe người dân ngoài xã hội.

Và tức là, thuốc điều trị y tế ở nước ta vẫn là một khoảng mênh mông để bọn táng tận lương tâm lợi dụng.

Và, vị phó giáo sư tiến sĩ Dược kia là người trong ngành, trong nghề, nên mới phải phát biểu một câu vừa hay vừa thấm đến thế: "Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào".

Một tờ báo của ngành Y tế đưa tin: "Năm 2024, Sở Y tế Tp.HCM đã phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả, xử lý 147 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng". Và mới nhất nữa, công an Hà Nội vừa triệt phá đường dây làm và tiêu thụ thuốc giả, tới 100 tấn thuốc giả, và tin làm chúng ta bàng hoàng là: Hàng trăm đơn vị khắp cả nước đã nhập bán. "Làm việc với cảnh sát, nhóm nghi phạm khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020 và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc. Tất cả các nhãn mác trên sản phẩm này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Tây Ba Nha, Pháp, Mỹ...)"...

Và đây chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ vừa bị phát hiện, và chắc là, sẽ còn bị phát hiện...

Nên dẫu là một người cũng rất nhân văn, luôn sống và ủng hộ theo chủ nghĩa nhân văn, tôi hết sức tán đồng ý kiến của chị Phạm Khánh Phong Lan. Nghĩa là, không thể nhân văn nhân đạo với thuốc giả, bởi chính đấy là thủ phạm sẽ gây chết nhiều người trong hoàn cảnh dân trí nước ta về y tế dự phòng nói chung, về sức khỏe nói riêng trong tình hình hiện tại rất là "tự phát", tới liều mạng. Chỉ khi nào, tất cả những viên thuốc, lọ thuốc, nói chung là thuốc, được mua từ các hiệu thuốc cùng phải có chữ ký của cả bác sĩ và dược sĩ, thì khi ấy, chúng ta có thể nới hình phạt cho bọn làm thuốc giả, tức bỏ án tử hình, nhưng sau đấy, một trong những hình phạt bổ sung cho chúng là yêu cầu chúng tự chữa bệnh (khi có bệnh) bằng thuốc của chúng sản xuất.

Bởi chắc chắn, bọn làm thuốc giả ấy, chúng biết thuốc chúng làm là giết người. Chỉ là giết ngay hay giết từ từ thôi. Ngay thuốc của chúng chỉ là bột mì hay bột củ mài, vô hại, thì vẫn là giết người, bởi người bệnh đã bỏ qua cơ hội điều trị thuốc thật.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ranh-gioi-nhan-van-va-toi-ac-204250522151509683.htm