Ranh giới trong bảo hộ bản quyền tác phẩm nghệ thuật ứng dụng

Các sáng tạo ứng dụng trong công nghiệp ngày nay được bảo hộ song song theo hai cơ chế của luật bản quyền và luật về quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng, thiết kế. Lý thuyết là vậy, trên thực tế, các tòa án vẫn 'đau đầu' trong việc xác định đâu là sáng tạo, đâu chỉ là công năng.

Ranh giới trong bảo hộ bản quyền tác phẩm nghệ thuật ứng dụng. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ranh giới trong bảo hộ bản quyền tác phẩm nghệ thuật ứng dụng. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

“Âm nhạc để làm gì? Hội họa để làm gì? Ai có thể điên rồ đến mức so sánh Mozart với M. Carrel, hay Michel-Ange với người sáng chế ra công thức làm món mù tạt? Thực sự đẹp là những thứ chẳng để phục vụ mục đích gì. Tất cả những gì hữu dụng đều xấu xí”. Câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp Théophile Gautier (1811-1872) đã thể hiện rõ tinh thần của học thuyết nghệ thuật thế kỷ 19: nghệ thuật vị nghệ thuật (l’art pour l’art).

Học thuyết này cũng ảnh hưởng đáng kể đến luật bản quyền của Pháp thời kỳ đó, vốn chỉ bảo hộ các tác phẩm được coi là “nghệ thuật thuần túy” và không công nhận các sáng tạo mang tính nghệ thuật ứng dụng. Theo tư tưởng “l’art pour l’art” - nghệ thuật vị nghệ thuật - người ta phân biệt rõ giữa “nghệ thuật” mang giá trị thẩm mỹ với “ứng dụng” mang tính hữu ích đơn thuần.

Sự thống nhất của nghệ thuật

Chính vì vậy, trước khi Pháp ban hành luật về kiểu dáng và thiết kế năm 1909, các thẩm phán nước này từng đưa ra nhiều phán quyết trái ngược nhau trong việc bảo hộ các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Điều đó càng cho thấy ranh giới giữa một tác phẩm “thuần túy” và một tác phẩm “ứng dụng” là hết sức mong manh.

Phải đến đầu thế kỷ 20, giới lập pháp Pháp mới chấp nhận học thuyết unité de l’art (tạm dịch là “sự thống nhất của nghệ thuật”), mở đường cho việc bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng theo luật bản quyền. Học thuyết này đồng thời thừa nhận một nguyên tắc quan trọng: chất lượng (mérite) hay mục đích sử dụng (destination) của tác phẩm không phải là yếu tố quyết định việc tác phẩm có được bảo hộ hay không.

Một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng để được bảo hộ theo cả hai cơ chế phải đồng thời đáp ứng hai điều kiện: có tính sáng tạo, độc đáo (theo luật về bản quyền), và có tính mới, khả năng ứng dụng công nghiệp, kèm theo thủ tục đăng ký bảo hộ (theo luật về sở hữu công nghiệp).

Luật về kiểu dáng và thiết kế năm 1909 đánh dấu một bước tiến lớn khi cho phép các sáng tạo ứng dụng trong công nghiệp được bảo hộ song song theo hai cơ chế: luật bản quyền và luật về quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng, thiết kế.

Theo quy định hiện hành của Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp, để một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng có thể được bảo hộ theo cả hai cơ chế này, nó phải đồng thời đáp ứng hai điều kiện: có tính sáng tạo, độc đáo (theo luật về bản quyền), và có tính mới, khả năng ứng dụng công nghiệp, kèm theo thủ tục đăng ký bảo hộ (theo luật về sở hữu công nghiệp).

Chuyện về nghệ thuật ở nước Pháp nhưng ảnh hưởng của nó lan tỏa tới cả Việt Nam. Công ước Berne - văn kiện quốc tế bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật - mà Việt Nam đã phê chuẩn, được hình thành trên nền tảng Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Pháp. Chính vì vậy, nhiều quy định trong công ước này cũng đã được chuyển hóa và đưa vào hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong Luật SHTT.

Theo Luật SHTT Việt Nam hiện hành, một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là “Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng”. Khái niệm này bao gồm các thiết kế mang tính thẩm mỹ và công năng, gắn với đồ vật hữu ích - từ bao bì sản phẩm, biểu trưng thương hiệu, đến thiết kế thời trang, nội thất... Song song đó, luật cũng bảo hộ “kiểu dáng công nghiệp” - tức hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện qua hình khối, đường nét, màu sắc và nhìn thấy được trong quá trình sử dụng. Dù cùng hướng đến việc bảo vệ sáng tạo mang yếu tố tạo hình, hai cơ chế này khác biệt rõ về điều kiện, thủ tục, thời hạn và phạm vi bảo hộ.

Khi tòa án phải xác định tính sáng tạo

Câu chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết. Vấn đề nằm ở chỗ cho đến nay, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, ranh giới giữa điều kiện bảo hộ theo luật bản quyền và luật về sở hữu công nghiệp đối với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng vẫn chưa thực sự rõ ràng trên thực tế. Việc phân định này phần lớn phụ thuộc vào nhận định mang tính chủ quan của tòa án.

Không dừng lại ở đó, chính các tiêu chí bảo hộ theo luật bản quyền - vốn thiết kế để đánh giá các tác phẩm nghệ thuật thuần túy - lại trở nên thiếu thuyết phục khi được áp dụng để xác định mức độ sáng tạo trong các thiết kế công nghiệp.

Chẳng hạn tại Pháp, một phán quyết của Tòa Phá án năm 2020 đã bác bỏ quyết định của Tòa phúc thẩm Aix-en-Provence, vốn từ chối bảo hộ bản quyền cho thiết kế đèn ngủ của Horst Lettenmayer. Lý do mà tòa phúc thẩm đưa ra là: chiều dài bóng đèn và khung đèn bán vòm có thể điều chỉnh chỉ thể hiện các đặc tính kỹ thuật bắt buộc, và sự kết hợp giữa những yếu tố này không có gì mới mẻ hay mang tính thẩm mỹ để thể hiện “cá tính” của người thiết kế.

Tuy nhiên, Tòa Phá án cho rằng tòa phúc thẩm đã không xem xét toàn diện các yếu tố tạo hình của thiết kế - trong khi chính sự tổng hợp đó mới là biểu hiện của tính sáng tạo. Trường hợp này cho thấy Tòa Aix-en-Provence đã nhầm lẫn khi áp dụng đồng thời các tiêu chí bảo hộ của luật bản quyền và luật về thiết kế công nghiệp để đánh giá một tác phẩm. Cũng cần lưu ý, các tòa án Pháp thường sử dụng khái niệm “thể hiện cá tính (personalité) của tác giả” để xác định tính sáng tạo - nhằm tránh rơi vào việc đánh giá chủ quan về chất lượng hay mục đích sử dụng của tác phẩm, điều vốn bị cấm theo luật nước này.

Mới đây, một phán quyết của tòa án Đức tiếp tục cho thấy xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa luật bản quyền và quyền sở hữu công nghiệp. Tháng 2 vừa qua, Tòa án Liên bang Đức kết luận rằng thiết kế dép xăng-đan Birkenstock không đủ điều kiện được bảo hộ theo luật bản quyền. Lý do là trong thiết kế này “những yêu cầu và bắt buộc mang tính kỹ thuật đã dẫn đến kết quả là khả năng sáng tạo tự do bị loại bỏ”. Theo phán quyết, để một thiết kế được bảo hộ bản quyền, nó phải “đạt được một mức độ thiết kế chất lượng cao, cho phép nhận ra tính cá nhân của tác giả”.

Chính vì thế, Tòa án Liên minh châu Âu đã đưa ra một phán quyết quan trọng vào năm 2020 liên quan đến thiết kế xe đạp gấp Brompton, góp phần phân biệt rõ ràng hơn hai cơ chế này. Phán quyết Brompton khẳng định: một thiết kế sản phẩm hoàn toàn có thể được bảo hộ theo luật bản quyền - kể cả khi hình thức thiết kế đó là “cần thiết để đạt được một kết quả kỹ thuật” (yếu tố vốn khiến tác phẩm khó được bảo hộ theo cơ chế kiểu dáng công nghiệp). Điều kiện đặt ra là thiết kế phải là kết quả của một quá trình sáng tạo, thể hiện những lựa chọn tự do và cá tính sáng tạo của tác giả. Việc đánh giá điều đó sẽ do tòa án quốc gia có thẩm quyền quyết định, dựa trên toàn bộ các yếu tố liên quan của vụ việc.

Ở Mỹ, để tránh trường hợp thiếu rõ ràng nói trên, Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 2017 đã đưa ra giải pháp khá hợp lý trong vụ tranh chấp Star Athletica v. Varsity Brands. Theo đó, một sáng tạo ứng dụng công nghiệp chỉ được luật bản quyền bảo hộ nếu như sáng tạo đó có những yếu tố sáng tạo nghệ thuật “có thể tách rời” và việc bảo hộ của luật bản quyền chỉ dành riêng cho những yếu tố sáng tạo nghệ thuật này mà thôi.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ranh-gioi-trong-bao-ho-ban-quyen-tac-pham-nghe-thuat-ung-dung/