Chuyển nhượng biển ô tô số đẹp phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về nhóm thu nhập khác, thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thu nhập từ chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá (cùng với xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá)...
Tại tờ trình dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho rằng ngoài các loại thu nhập chịu thuế đã được quy định, hiện phát sinh một số khoản thu nhập khác có tính chất đặc thù.
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản này cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay, như thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về nhóm thu nhập khác thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, nhóm thu nhập này bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”; chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh; chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá (kèm theo xe ô tô gắn biển số đó); chuyển nhượng tài sản số như tài sản ảo, tài sản mã hóa; thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu hoặc chuyển nhượng các loại tài sản khác do Chính phủ quy định.
Theo đề xuất, thuế thu nhập cá nhân đối với nhóm này sẽ được tính theo thuế suất 5% trên phần thu nhập vượt 10 triệu đồng mỗi lần phát sinh, tương tự như cách tính với thu nhập từ bản quyền.

Với tài sản số, Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần giao dịch, như đang áp dụng với chuyển nhượng chứng khoán.
Riêng đối với tài sản số được giao dịch thường xuyên trên các sàn minh bạch, công khai về giá, Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần giao dịch, như đang áp dụng với chuyển nhượng chứng khoán.
Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu, chuyển nhượng tài sản khác do Chính phủ quy định.
Cơ quan soạn thảo cho biết thêm, các quốc gia khác cũng thường có quy định mang tính nguyên tắc để bao quát đối các khoản thu nhập khác (hay thu nhập có tính chất bất thường) của cá nhân, mà không thể xếp vào các nhóm thu nhập chịu thuế được liệt kê tên cụ thể.
Tại Thái Lan, thu nhập chịu thuế bao gồm cả tiền và hiện vật. Bất kỳ lợi ích nào mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động hoặc từ các bên thứ ba – như nhà ở miễn phí hoặc khoản thuế được trả thay - đều được tính vào thu nhập chịu thuế.
Tại Trung Quốc, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định 9 loại thu nhập chịu thuế, bao gồm cả thu nhập bất thường khác.
Tại Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế cá nhân bao gồm cả các khoản thu nhập khác như giải thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, tiền thưởng từ xổ số, cá cược, thu nhập từ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác khoáng sản, thông tin cá nhân, thương hiệu hoặc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.