Rào cản doanh nghiệp Việt khi chinh phục thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cánh cửa rộng lớn cho doanh nghiệp Việt, biến tiềm năng 'Made in Vietnam' thành hiện thực trên thị trường toàn cầu. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ này, các nền tảng trực tuyến trở thành bệ phóng lý tưởng để hàng Việt vươn xa.

Xu hướng và tiềm năng

Thống kê cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới chiếm 20-22% giá trị thương mại điện tử toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần so với TMĐT thông thường. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam – quốc gia sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, sản phẩm đa dạng và chính sách hỗ trợ ngày càng cởi mở.

Nếu được đầu tư đúng mức về công nghệ và chính sách, kim ngạch xuất khẩu TMĐT của Việt Nam có thể tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên hơn 11 tỷ USD vào năm 2027, theo dự báo.

Ông Jason Bay, Giám đốc Sea Limited tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam có lợi thế chi phí rõ rệt khi đưa sản phẩm ra nước ngoài qua TMĐT, đặc biệt với phân khúc khách hàng nhạy cảm về giá”. Điều này không chỉ mở ra cơ hội mà còn khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trên bản đồ thương mại quốc tế.

Trong định hướng kế hoạch tổng thể TMĐT giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ, TMĐT hướng tới thúc đẩy xuất khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Các chính sách và giải pháp sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế của TMĐT để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

Thực tế cho thấy, nhiều ngành hàng Việt đang tận dụng tốt TMĐT xuyên biên giới để ghi dấu ấn. Theo Shopee, thời trang (nữ, nam, trẻ em), phụ kiện xe máy và xe đạp, làm đẹp, thực phẩm đóng gói ghi nhận đơn hàng quốc tế tăng mạnh.

Điển hình, thương hiệu thời trang Việt Nam Chautfifth tăng 30% doanh số mỗi tháng, Big Size Boutique tăng 167% doanh thu tại Thái Lan và Malaysia. Trong lĩnh vực thực phẩm khô, SKFood đạt doanh số tăng 270% trong các đợt sale lớn tại Singapore, Đài Loan, Malaysia.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Shopee chia sẻ: “Hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam vừa và nhỏ (SMEs) tham gia SIP, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm đến thị trường quốc tế bao gồm Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Đài Loan, Trung Quốc… giúp doanh số tăng 20-30% mỗi tháng”.

Thông qua nền tảng Alibaba, bà Trần Kim Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nam Mekong (South Mekong) chia sẻ: “TMĐT xuyên biên giới giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng toàn cầu nhanh chóng, bỏ qua nhiều khâu trung gian”. Gạo trắng – mặt hàng chủ lực chiếm 85% doanh thu – bán chạy tại Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu, trong khi trái cây tươi như dừa, chanh, thanh long được đánh giá cao về tiềm năng nhờ nhu cầu lớn và giao dịch linh hoạt trên Alibaba. Điều này cho thấy, khi kết hợp tốt giữa sản phẩm chất lượng và nền tảng TMĐT, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh ở quy mô quốc tế.

TMĐT xuyên biên giới chiếm 20-22% giá trị thương mại điện tử toàn cầu. Ảnh minh họa.

TMĐT xuyên biên giới chiếm 20-22% giá trị thương mại điện tử toàn cầu. Ảnh minh họa.

Liên kết để bứt phá

Liên kết để bứt phá dù tiềm năng là rõ ràng, nhưng để TMĐT xuyên biên giới thực sự trở thành bệ phóng cho hàng Việt, cần sự kết nối chặt chẽ giữa chính sách, công nghệ và chiến lược doanh nghiệp. Các giải pháp hỗ trợ SMEs không chỉ dừng ở việc tiếp cận nền tảng mà còn cần đầu tư vào logistics, tối ưu chi phí và nâng cao hiểu biết thị trường.

Bà Trần Kim Ngân nhận định, một thách thức lớn là phải làm tăng tỷ trọng đơn hàng từ TMĐT. Với mặt hàng gạo – sản phẩm chủ lực của công ty, khách hàng thường ưu tiên kiểm tra chất lượng trực tiếp và đặt số lượng lớn, khiến giao dịch online bị hạn chế. Chưa kể, các yêu cầu về chứng nhận, kiểm định và logistics càng làm phức tạp quá trình, đặc biệt với trái cây tươi – vốn cần bảo quản nghiêm ngặt và vận chuyển nhanh.

Để giải quyết, South Mekong đặt mục tiêu năm 2025 là cải thiện chiến lược TMĐT, tối ưu gian hàng trên Alibaba và tìm kiếm giải pháp logistics hiệu quả hơn nhằm tăng tỷ lệ chốt đơn hàng.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Việt Nam, Trưởng ban Logistics TMĐT, phân khúc B2C đang hưởng lợi từ sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt nhờ các nền tảng như Amazon, SC, AliExpress.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội này để bán hàng ra nước ngoài, với quy trình giao hàng diễn ra thuận lợi nhờ vận chuyển hàng không – phương thức phù hợp với đơn hàng khối lượng nhỏ và tần suất cao. Mô hình kho tổng của Amazon càng hỗ trợ hiệu quả khi hàng hóa từ Việt Nam được chuyển trực tiếp đến các thị trường quốc tế, giảm bớt gánh nặng logistics cho nhà bán.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở hạ tầng logistics. Các doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được kho tập kết ở nước ngoài, ví dụ như tại Châu Âu – nơi cần kho để giao hàng nhanh chóng tới người tiêu dùng. Hiện tại, phần lớn phải thuê kho từ các đối tác quốc tế, dẫn đến chi phí cao và làm giảm sức cạnh tranh.

Ông Hùng chỉ ra rằng, với đơn hàng trị giá 50 USD, chi phí logistics có thể chiếm tới 30 USD, khiến lợi nhuận bị bào mòn. Đây là rào cản lớn khi hàng Việt phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ các quốc gia khác trên cùng nền tảng.

Với kênh B2B, TMĐT chủ yếu được dùng để xúc tiến thương mại, nhưng thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp logistics và nhà nhập khẩu quốc tế. Điều này khiến SMEs Việt bị động khi tiếp nhận đơn hàng, đặc biệt với các yêu cầu xuất khẩu đột xuất. Chỉ những hợp đồng dài hạn mới cho phép công ty logistics tối ưu chi phí qua vận chuyển đường biển, còn lại phần lớn phụ thuộc vào các nền tảng toàn cầu như Alibaba.

Việc ít doanh nghiệp Việt tự xây dựng website bán hàng trực tiếp càng hạn chế khả năng chủ động và xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường quốc tế.

Thách thức lớn nhất nằm ở hạ tầng logistics. Ảnh minh họa

Thách thức lớn nhất nằm ở hạ tầng logistics. Ảnh minh họa

Để vượt qua thách thức, ông Hùng cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và logistics. Doanh nghiệp logistics phải nắm rõ chuỗi cung ứng, từ luồng hàng, container đến lịch trình tàu biển, nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu nên tiếp cận logistics ngay từ giai đoạn đầu – thậm chí trước khi tìm khách hàng – để xây dựng chiến lược vận chuyển phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh, giải pháp lâu dài là đầu tư xây dựng kho tập kết ở các thị trường trọng điểm hoặc hợp tác chiến lược với các nền tảng lớn, thay vì chỉ thuê kho. Ngoài ra, việc phát triển website TMĐT riêng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn, giảm phụ thuộc vào các “ông lớn” quốc tế, từ đó nâng cao vị thế hàng Việt trên toàn cầu.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/rao-can-doanh-nghiep-viet-khi-chinh-phuc-thi-truong-toan-cau-qua-thuong-mai-dien-tu-173894.html