Rào cản phút cuối đe dọa thỏa thuận lịch sử tại COP27
Hội nghị COP27 phải kéo dài thêm một ngày nhằm tháo gỡ thế bế tắc, giúp các nước đang phát triển nhận được hỗ trợ để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Sau hai tuần, các nhà đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27) đã tiến gần tới thỏa thuận đột phá về quỹ hỗ trợ các quốc gia đối mặt với tác động của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách giảm phát thải khí nhà kính, theo Reuters.
Hội nghị phải kéo dài thêm một ngày đàm phán để tìm kiếm giải pháp cho một thỏa thuận khí hậu cuối cùng. Thỏa thuận này được coi là bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Chúng ta phải đẩy nhanh, nhưng không phải nhanh để hướng đến một kết quả khó chấp nhận. Chúng ta cũng không đẩy nhanh để chấp nhận điều gì đó mà chúng ta sẽ hối tiếc sau này”, Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan cho biết.
Frans Timmermans, ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cho biết các bộ trưởng trong khối đã sẵn sàng “từ bỏ” nếu thỏa thuận không đủ tham vọng.
“Chúng tôi thà không có quyết định nào hơn là một quyết định tồi”, ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 tuần tại Sharm el-Sheikh là thử thách quyết tâm của toàn thế giới trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu, đặc biệt khi xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng kinh tế làm phân tán sự chú ý của quốc tế.
Dự thảo thỏa thuận COP27 được công bố hôm 19/11 tái khẳng định các cam kết trong quá khứ về việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C nhằm ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra rất ít dữ liệu về cách để đạt được mục tiêu đó.
Chiến thắng bước đầu
Những ngày đàm phán căng thẳng tại hội nghị giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đã mang lại đề xuất về việc thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia đối phó với thiệt hại không thể khắc phục từ bão, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng.
Những quốc gia phát triển, bao gồm Mỹ và những nước châu Âu, trong nhiều thập kỷ bác bỏ ý tưởng về quỹ này vì lo ngại mở ra những trách nhiệm pháp lý đối với lượng khí thải nhà kính từng phát thải trong lịch sử.
“Chúng tôi hài lòng vì ít nhất có cái gì đó trên bàn đàm phán”, Nabeel Munir, trưởng đoàn đàm phán của nhóm các nước đang phát triển G77, nói về đề xuất này.
Nhà đàm phán của Barbados Avinash Persaud gọi đề xuất về quỹ hỗ trợ là “chiến thắng nhỏ của loài người”. Ông cho rằng đây là kết quả từ sự lãnh đạo của các quốc đảo nhỏ và sự đoàn kết từ phần còn lại trước tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
“Bây giờ chúng ta cần nỗ lực gấp đôi trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giao thông và nông nghiệp. Điều này sẽ hạn chế những tổn thất và thiệt hại về khí hậu trong tương lai”, ông Persaud đề cập tới việc chuyển sang hình thức năng lượng sạch và canh tác bền vững.
Các nhà đàm phán cho biết ý tưởng này nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, quỹ hỗ trợ cần phải đi đôi với quyết tâm cắt giảm lượng khí thải vốn đang thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu.
“Không thể chấp nhận được rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu trong khi không cam kết xử lý hậu quả thực tế của việc phát thải”, Romina Pourmokhtari, Bộ trưởng Khí hậu Thụy Điển, cho biết.
Vấn đề nguyên liệu hóa thạch
EU thúc đẩy các cuộc thảo luận bằng cách đề nghị hỗ trợ quỹ với điều kiện những quốc gia phát thải hàng đầu phải chi trả, đồng thời các quốc gia cũng tăng cường nỗ lực cắt giảm lượng khí thải.
Hiện chưa rõ liệu các điều kiện của EU có được đáp ứng hay không. Cho đến nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa chính thức phản hồi đề xuất của EU.
Dự thảo thỏa thuận COP27 được công bố hôm 19/11 không có phần tài liệu theo yêu cầu của Ấn Độ và EU nhằm loại bỏ dần việc sử dụng “tất cả các nguyên liệu hóa thạch”. Thay vào đó, dự thảo chỉ yêu các các quốc gia loại bỏ than, nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, như đã thỏa thuận tại Glasgow vào năm ngoái.
“Đó chắc chắn là thất vọng. Việc cắt giảm tất cả các nguyên liệu hóa thạch rất quan trọng để duy trì mức tăng dưới 1,5 độ C”, David Waskow, giám đốc Sáng kiến Khí hậu Toàn cầu của Viện Tài nguyên Thế giới, nói.
Trong cuộc đàm phán tối 19/11, Mỹ đề xuất “loại bỏ” nguyên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông và châu Phi, bao gồm Arab Saudi, đã phản đối những ngôn từ nhắm đến nguyên liệu hóa thạch và chống lại đề xuất của Mỹ.
Dự thảo cũng yêu cầu tất cả các quốc gia nâng cấp mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030 vào cuối năm 2023. Một số nhà đàm phán hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận yêu cầu các quốc gia nâng cấp mục tiêu cắt giảm khí thải hàng năm, thay vì chỉ vào năm tới. Điều này sẽ đảm bảo lượng khí thải giảm nhanh, ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Một số nhà vận động cho biết dự thảo có một số yếu tố tích cực, nhưng vẫn cần tham vọng hơn.