Rào cản rời Nga của các công ty phương Tây
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, một dòng công ty phương Tây đã nối tiếp di cư khỏi Nga. Tuy nhiên, số còn lại vẫn khó rời đi vì quá trình đàm phán được cho là khó khăn, mất nhiều thời gian.
Khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, các công ty toàn cầu đã nhanh chóng phản ứng, một số tuyên bố họ sẽ rời khỏi Nga ngay lập tức, số khác cắt giảm nhập khẩu hoặc đầu tư mới. Các nhà máy, công ty năng lượng và nhà máy điện trị giá hàng tỷ USD bị xóa sổ hoặc được rao bán.
Nhưng hơn một năm sau, mọi thứ trở nên rõ ràng: Việc rời khỏi nước Nga không đơn giản như những thông báo đầu tiên. Moscow ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các công ty muốn rút lui, yêu cầu phải có sự chấp thuận của một ủy ban Chính phủ và trong một số trường hợp là từ chính Tổng thống Vladimir Putin. Đồng thời áp đặt các khoản chiết khấu lớn và thuế rất cao đối với giá bán.
Mất nhiều tháng đàm phán
Cuộc rút chạy ban đầu được dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ô tô lớn, các công ty dầu mỏ, công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp. Tập đoàn lớn như BP, Shell, ExxonMobil và Equinor đã kết thúc liên doanh hoặc xóa sổ cổ phần trị giá hàng tỷ đô la. McDonald\'s đã bán 850 nhà hàng của mình cho một công ty nhượng quyền địa phương, trong khi Renault của Pháp nhận chỉ một đồng rúp tượng trưng cho phần lớn cổ phần của mình trong Avtovaz, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga.
Mặc dù chuyện của mỗi công ty khác nhau, chủ đề chung là họ phải vượt qua trở ngại giữa một bên là các lệnh trừng phạt của phương Tây và bên kia là những nỗ lực của Nga nhằm ngăn cản những người rời đi.
Sau nhiều tháng đàm phán, công ty sản xuất lốp xe Nokian Tires (Phần Lan) chuẩn bị hoàn tất thương vụ bán cơ sở tại Nga trị giá 400 triệu euro (440,32 triệu USD) vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên sau đó Moscow lại thay đổi các quy tắc.
Tháng 12/2022, Chính phủ Nga cho phép các công ty phương Tây rời khỏi quốc gia này với điều kiện họ phải bán tài sản tại Nga với giá ít nhất bằng một nửa giá trị tài sản. Đồng thời, Moscow cũng yêu cầu 10% số tiền bán được vào ngân sách nhà nước, được Bộ Tài chính Mỹ gọi là "thuế xuất cảnh".
Để quá trình rời đi được nhanh chóng hơn, Nokian Tires đã giảm giá bán cho Tatneft, công ty dầu mỏ lớn của Nga xuống còn 286 triệu euro, cuối cùng thỏa thuận nhận được chấp thuận của Ủy ban chính phủ giám sát đầu tư nước ngoài vào tháng 3.
Quá trình đàm phán kéo dài mấy tháng của Nokian Tyres minh họa cho những cơn gió ngược ngày càng tăng mà các công ty phương Tây vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi xứ bạch dương phải đối mặt. 15 tháng sau chiến sự Nga - Ukraine, nhiều công ty đã thành công rời khỏi Nga, tuy nhiên vẫn còn một số vẫn ở lại, đối mặt với sự không chắc chắn ngày càng tăng.
"Chiến tranh đã thay đổi môi trường hoạt động một cách nhanh chóng và không thể đoán trước", Johanna Horsma, Giám đốc của Nokian Tyres, nói với Reuters. "Những thay đổi mới trong các quy định ở Nga vào tháng 9 và tháng 12 đã có tác động lớn."
Từ các công ty viễn thông đến các nhà bán lẻ thời trang, hàng ngàn công ty đã tạm dừng hoạt động ở Nga vào năm ngoái khi các chính phủ phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.
Một số cố gắng thương lượng để thoát ra nhanh chóng, thường bán với giá chiết khấu cao hoặc giao chìa khóa cho quản lý địa phương. Tốc độ thoát hiện đã chậm lại đáng kể nhưng các quy tắc thậm chí còn khó điều hướng hơn đối với những người còn lại.
Khác với những công ty nhất quyết rời khỏi Nga. Nhiều nhà kinh doanh vẫn đang bận rộn buôn bán.
Một trong số các đó là chuỗi thời trang Benetton (Italy), có cửa hàng tại Trung tâm thương mại châu Âu (Evropeisky Mall) ở Moscow, vẫn bận rộn vào một buổi tối ngày trong tuần gần đây. Khách hàng nhộn nhịp thử đồ và nhân viên tất bật thu dọn các đống quần áo.
Tương tự, tại cửa hàng bán lẻ nội y Calzedonia (Italy), người mua xem tất và đồ bơi. Cả hai công ty đều không trả lời các câu hỏi được gửi qua email.
Quy trình khắt khe, tốn thời gian
Tiến sĩ Peter Wand, một đối tác tại Baker McKenzie ở Frankfurt (Đức), người đã làm việc của Nokian Tyres, cho biết việc đạt được sự chấp thuận của Ủy ban Chính phủ rất khắt khe, tốn thời gian và khó khăn.
Đồng thời, xuyên suốt quá trình thẩm định đòi hỏi phải có sự đánh giá của Nga về doanh nghiệp, tốn nhiều thời gian, với nhiều yêu cầu kiểm tra liên tục và thường xuyên.
Bên cạnh đó, Thomas Kormendi, Giám đốc điều hành của công ty bao bì Elopak (Na Uy), công ty đã hoàn tất việc bán tài sản tại Nga cho ban quản lý địa phương vào tháng 3 với một khoản phí không được tiết lộ, cho biết "điều chưa biết" là vấn đề quan trọng nhất.
Tháng trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Moiseev nhận định mỗi quyết định xem xét cho doanh nghiệp rời Moscow sẽ không nhanh chóng. Đồng thời, ông cho biết ủy ban cần họp ba đến bốn lần một tuần và xem xét 20 vấn đề mỗi lần.
Theo một nhà đầu tư phương Tây vẫn sở hữu tài sản ở Nga, những khách hàng người Nga đang tìm cách tận dụng các khoản chiết khấu khổng lồ và sử dụng các mối quan hệ tốt để thúc đẩy các giao dịch.
Khánh Vy (Theo Reuters)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/rao-can-roi-nga-cua-cac-cong-ty-phuong-tay-post250063.html