Rào cản thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội
Mục tiêu đến năm 2030 phát triển '1 triệu căn nhà ở xã hội', đây được đánh giá là mục tiêu nhân văn mang lại nhiều ý nghĩa được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Khảo sát chuyên đề về nhà ở xã hội (NƠXH) của Ban Kinh tế tư nhân, có đến 57% người lao động có nhu cầu thuê hoặc mua nhà, trong đó có gần 1 nửa số lượng là có nhu cầu mua NƠXH. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn, tuy nhiên thực tế đến nay có rất ít người lao động có thể tiếp cận được. Bên cạnh khan hiếm nguồn cung thì một trong những nguyên nhân chính là do các thủ tục xin thuê/mua NƠXH rất khó khăn, phức tạp.
Hiện thủ tục xác minh người được thuê/mua NƠXH phải đáp ứng 3 điều kiện: Một là nơi cư trú: có hộ khẩu hoặc phải tạm trú và đóng bảo hiểm xã hội liên tiếp trên 6 tháng. Hai là mức thu nhập thấp, không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân (nghĩa là dưới 11tr/tháng). Cuối cùng là chưa có sở hữu nhà hộ gia đình.
Điều kiện cụ thể đã có, tại sao nhiều gia đình, hộ gia đình, người lao động thu nhập thấp lại không đáp ứng được, thậm chí có nhiều người đành phải từ bỏ giấc mơ NƠXH, dù đã cất công nhiều tháng trời để làm thủ tục. Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời trong nội dung dưới đây.
Dự án NƠXH Lê Thành An Lạc, tại đây có khoảng 1.000 căn hộ, do đó nhu cầu chuyển nhượng các căn hộ này rất lớn, chúng ta cùng gặp gỡ chị An, là người chuyên tư vấn cho người dân ở đây làm thủ tục chuyển nhượng NƠXH để xem là các thủ tục hiện nay đang có những khó khăn như thế nào.
Chị Lê Thị An - Tư vấn viên thủ tục nhà ở xã hội, TP.HCM cho biết: "Tôi làm công việc về nhà ở xã hội 4 năm. Hồ sơ lần đầu hay hồ sơ mà sang nhượng lại cũng y như nhau, có 1 bộ hồ sơ quy định của Sở đưa xuống. Nói chung tư vấn thì rất nhiều nhưng tỉ lệ được duyệt mua chỉ khoảng 30-40%. Lúc trước chỉ trong vòng từ 1-3 tháng, nhưng từ sau tháng 10/2021 có mẫu mới của Bộ Xây Dựng ban hành thì rất khó cho người dân đi chứng ở ủy ban".
Từ tháng 8/2021, theo Thông tư 09 của Bộ Xây Dựng, thủ tục mua, chuyển nhượng NƠXH bao gồm 2 bộ hồ sơ cho từng đối tượng, với 3 điều kiện cần chứng nhận: về nơi cư trú, mức thu nhập, và tình trạng sở hữu nhà ở. Theo quy trình, người dân có nhu cầu sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ này, được ủy ban nơi cư trú chứng nhận đủ các điều kiện, sau đó nộp qua chủ đầu tư, và chủ đầu tư sẽ trình lên Sở Xây dựng địa phương xét duyệt. Theo khảo sát, hiện có 2 điều kiện khó khăn nhất mà ủy ban thường không chứng nhận đúng theo quy định của Sở, đó là: Chứng minh thu nhập thấp và chưa có sở hữu nhà theo hộ gia đình.
Chị Lê Thị An - Tư vấn viên thủ tục nhà ở xã hội, TP.HCM thông tin: "Xác nhận là chưa có nhà ở sở hữu hộ gia đình thì ủy ban sẽ trả lời là chỗ khác có nhà thì sao? họ không có cơ sở, căn cứ để mà xác nhận vấn đề đó. Ủy ban thì chứng theo ý của ủy ban, Sở thì theo quy định mẫu của Sở, nên là rất khó khăn cho người dân. Có người họ làm giữa chừng họ thấy khó quá, họ không làm tiếp nữa. Cũng có những khách hàng họ cố gắng làm tới làm lui 2, 3 lần, nhưng vẫn không được".
Căn hộ mới thì không có, phải mua lại từ các chủ cũ. Thủ tục phức tạp kéo dài khiến nhiều hộ gia đình, dù đã bỏ ra vài trăm triệu mua nhà nhưng không làm được giấy tờ chính chủ, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như câu chuyện gia đình của chị Phượng.
"Căn nhà ở xã hội của gia đình tôi mua cách đây hơn 2 năm với diện tích 43m2, có 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp và nhà vệ sinh. Gia đình tôi mua lại từ một người quen, từ đó đến nay phần giấy tờ thủ tục tôi vẫn chưa làm được cho nên hiện tại về pháp lý giấy tờ vẫn chưa thuộc về gia đình", chị Phạm Thị Thúy Phượng - Khách hàng mua nhà ở xã hội, quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ.
2 vợ chồng, 2 quê, 2 hộ khẩu hoàn thiện 2 bộ hồ sơ ròng rã 2 năm với đủ loại giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú, mức lương, thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội để đạt tiêu chí mua nhà ở xã hội.
"Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp mà đòi hỏi quá nhiều chứng từ. Cả một quá trình gia đình chúng tôi chuẩn bị hồ sơ, không riêng gì 2 vợ chồng mà gần như cả gia đình 2 bên ở quê đều chuẩn bị, khi mình nộp hồ sơ được rồi lại phải trả tới, trả lui mấy lần, tất cả những giấy tờ đó diễn ra rất khó khăn và kéo dài. Khi tôi làm thủ tục thì lúc đó mức thu nhập của tôi phù hợp với tiêu chuẩn để làm hồ sơ mua nhà ở xã hội. Để hoàn thành được 2 giấy tờ kia nó kéo dài một thời gian, cùng với việc thay đổi biểu mẫu giấy tờ của nhà nước. Đến lúc tôi nộp gần đủ hồ sơ thì mức lương tôi được tăng, lại không đáp ứng được tiêu chí, vượt mức thu nhập cá nhân đóng thuế thu nhập cá nhân", chị Phạm Thị Thúy Phượng - Khách hàng mua nhà ở xã hội, quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ.
Vướng mắc dữ liệu khi xét duyệt thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội
Đại diện Sở Xây Dựng TP.HCM cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do ủy ban nhân dân các xã phường hiện không có đủ cơ sở dữ liệu để chứng nhận các điều kiện như về mức thu nhập, hay việc sở hữu nhà khiến thủ tục kéo dài.
Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng quản lý nhà, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Vướng mắc chủ yếu là ở cơ sở liên thông cơ sở dữ liệu. Hiện nay chúng ta có nhiều cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan đến nhà ở, đất ở của người dân nhưng nằm rải rác ở các cơ quan. Ví dụ như ở Sở Tài nguyên và Môi trường và văn phòng đăng ký liên quan đến các giao dịch nhà ở đất ở, quyền sử dụng đất, các thông tin về chuyển nhượng mua bán nhà ở tại các văn phòng công chứng do Sở Tư pháp quản lý. Các thông tin về đóng thuế thu nhập được quản lý bởi cơ quan thuế. Như vậy, những nội dung này nó phải được liên thông, phải được kiểm tra rà soát trên toàn địa bàn thành phố, thì nó mới đảm bảo điều kiện quy định về nhà ở xã hội, thì cái này cơ quan nhà nước phải chủ động mới tháo gỡ vướng mắc cho người dân".
Kết quả khảo sát gần nhất của Ban kinh tế tư nhân, có 27% người lao động được hỏi gặp khó khăn tiếp cận NƠXH bởi "hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp", đây là 1 trong 4 rào cản lớn nhất đối với họ khi muốn mua NƠXH. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban kinh tế tư nhân (Ban IV) thông tin: "Cái vòng lặp đi đi về về giữa quê với cái nơi thành phố mà đang công tác, nó không biết bao nhiêu vòng, để có thể chuẩn bị được hồ sơ giấy tờ, mà còn chưa chắc đã được thông qua".
"Tôi không thể nào đi ra vì tôi không đủ tài chính để đi ra mua nhà ở thương mại, thì tôi đặt hết niềm tin vào trong đây. Khi mình đã đi làm tiết kiệm được một khoản để mua được một cái nơi mà thực tế trên pháp lý nó không thuộc về mình thì mình cảm thấy rất lo lắng cho tương lai", chị Phạm Thị Thúy Phượng - Khách hàng mua nhà ở xã hội, quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ.
Nỗi bất an, lo lắng của chị Phượng trong phóng sự trên cũng là nỗi lo chung của rất nhiều gia đình khi mua nhà ở xã hội thời gian qua. Nhằm giải quyết khó khăn này, trong dự thảo Nghị định về Nhà ở xã hội mới nhất, Chính phủ cũng đã có một số thay đổi xác minh đối tượng thuê/mua nhà ở xã hội như: nâng cao mức thu nhập, bỏ điều kiện cư trú. Tuy nhiên, để cải thiện quy trình xét duyệt phức tạp như hiện nay đòi hỏi nhiều giải pháp đột phá hơn.
Tại TP.HCM mới đây, UBND thành phố đã ban hành quy định về thủ tục cho người thuê/mua NƠXH, theo đó, việc xác minh đối tượng được giao chịu trách nhiệm chính về Sở Xây dựng, và giảm thời gian thủ tục xuống còn 15 ngày. Tuy nhiên, vẫn còn phải cần thời gian và sự quyết liệt triển khai thực tế thì mới có thể đánh giá được hiệu quả của những quy định này. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến quý vị và các bạn những câu chuyện thực tế, những ý kiến đóng góp, những kiến nghị giải pháp để góp phần chung tay hoàn thành muc tiêu nhân văn "1 triệu căn nhà ở xã hội" mà Chính phủ đã đặt ra.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/rao-can-thu-tuc-thue-mua-nha-o-xa-hoi-post1093581.vov