Rào chắn bảo vệ trẻ trên không gian mạng: Am hiểu để tự vệ
Phần lớn trẻ em, thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung độc hại trên môi trường mạng thường lựa chọn im lặng, thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Do đó, cùng với công tác hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng để các em tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng là rất cần thiết.
Tự vệ, phòng vệ hơn bảo vệ
Buổi học bắt đầu với những nội dung như: phòng tránh lừa đảo qua mạng, cách để không bị đánh cắp danh tính, nhận diện website an toàn - nguy hiểm… khiến các học sinh Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TPHCM) hào hứng. Điện thoại, máy tính bảng hay tài khoản mạng xã hội thì hầu như bạn nào cũng có, nhưng cách để phân biệt website an toàn, tránh lừa đảo qua mạng thì chỉ vài em trong lớp phát biểu ý kiến.
Kết thúc 90 phút tìm hiểu kiến thức an toàn trên không gian mạng, Đặng Hữu Trọng (học sinh lớp 10A5) phát biểu: “Em thích kiến thức mà các anh chị chia sẻ, vì kiểm tra độ an toàn của trang web qua biểu tượng ổ khóa thì em có biết, nhưng chưa hiểu kỹ lắm. Có lúc tra tài liệu trên mạng, em cũng vô tình truy cập những trang web không an toàn. Và em cũng thích tìm hiểu nhiều hơn về kiến thức công nghệ, bảo mật thông tin để có thể định hướng ngành học sau này, nên rất thích nếu có thêm nhiều buổi học nữa”.
Thành lập vào tháng 8-2020, CyberKid Vietnam là doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ, hỗ trợ và phát triển năng lực số cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam trên không gian mạng.
CyberKid Vietnam hiện đang triển khai 4 giải pháp: Chương trình lớp học “An toàn trên không gian mạng” dành cho nhà trường, cung cấp các lớp học miễn phí từ 45-90 phút tại các trường từ tiểu học đến THPT nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn, hiệu quả; Chương trình định hướng và phát triển tài năng an ninh mạng nhí dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, cung cấp các lớp học an ninh mạng online miễn phí nhằm định hướng nghề từ sớm và đào tạo những học sinh có năng khiếu trong lĩnh vực này; Chương trình sơ cứu tâm lý cho trẻ em gặp nguy hiểm trên không gian mạng qua đường dây nóng CyberHotline - cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và sơ cứu tâm lý miễn phí…
Hành trình chia sẻ kiến thức an toàn trên không gian mạng, qua mỗi lớp học đều được CyberKid Vietnam thực hiện miễn phí, bởi hơn hết là sự thấu hiểu từ người trẻ dành cho trẻ em.
Trần Đăng Nam (sinh viên năm 2, Trường Đại học GTVT TPHCM, tình nguyện viên CyberKid Vietnam tại TPHCM) chia sẻ: “Những kỹ năng an toàn trong không gian không quá khó, nhưng các em học sinh thường không có thói quen đọc báo mỗi ngày để biết được những thủ đoạn, hay cảnh báo lừa đảo đang diễn ra trên mạng hiện nay.
Ngoài việc nhắc nhở, tôi nghĩ trang bị cho các em hiểu và biết cách để an toàn trong không gian mạng quan trọng hơn, vì khi các em nhận diện được website không chính thống, đường link độc hại thì các em sẽ tự biết cách tránh mà ba mẹ hay anh chị không cần phải theo sát từng chút nữa”.
Trao đi giải pháp, cũng chính là nhận về những giá trị tinh thần bền vững hơn. Võ Ngọc Thanh Trúc (Quản lý Phòng Giải pháp CyberSchool chi nhánh TPHCM) chia sẻ: “Lúc đầu, tôi muốn tham gia vào dự án là do mong muốn có thể bảo vệ em trai mình, vì em ấy coi rất nhiều video trên TikTok, YouTube Short... mà nội dung không phù hợp.
Sau này, khi được tiếp xúc nhiều hơn với CyberKid Vietnam, tôi càng muốn được tham gia nhiều hơn, học hỏi thêm các kiến thức mới. Các mối nguy hại trên mạng xảy ra rất thường xuyên với đa dạng chiêu thức tấn công, do đó việc trang bị nhận thức và kỹ năng cho các em càng cụ thể, càng giúp các em tự bảo vệ bản thân tốt hơn trên không gian mạng”.
Đồng hành không đổ lỗi
Truy cập vào website https://gocantoan.saigonchildren.com/, phụ huynh, giáo viên và học sinh có thể tiếp cận một câu chuyện tranh thú vị, mỗi bài học là một kinh nghiệm, kỹ năng cho trẻ khi truy cập vào không gian mạng. Dự án có tên Cuộc Phiêu Lưu Online Của Linh và Danh (Linh and Danh’s Online Adventure), do Hoàng Nhật Minh (thành viên Saigon Children’s) phụ trách. Saigon Children’s là tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Anh, hoạt động tại Việt Nam đã 30 năm, với mục đích phá bỏ rào cản của trẻ em yếu thế thông qua giáo dục.
Mục tiêu của gói câu chuyện và tài liệu hướng dẫn Cuộc phiêu lưu online của Linh và Danh hướng đến nâng cao nhận thức về an toàn mạng cho trẻ 6-8 tuổi và trang bị cho trẻ những kỹ năng để giữ an toàn cho bản thân và bạn bè, cả trực tuyến lẫn trực tiếp.
Tính đến tháng 4-2023, dự án đã trao 13.000 cuốn truyện tranh an toàn mạng, tiếp cận được khoảng 35.000 học sinh tại gần 200 cơ sở giáo dục trên 9 tỉnh thành: Hà Nội, TPHCM, Hòa Bình, Lào Cai, An Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Trà Vinh và Đà Nẵng. Đồng thời, dự án còn sản xuất 1 phim hoạt hình, 1 hướng dẫn giáo án và 1 bản Sổ tay hướng dẫn cho cha mẹ.
Nhật Minh chia sẻ: Việc có thể phát hiện ra các dấu hiệu ban đầu của hành vi dọa dẫm, lôi kéo và nhận biết được những người tin cậy có thể giúp đỡ, sẽ giúp các em có ý thức về nguy hiểm trên mạng, giúp giảm nguy cơ bị lạm dụng và có trải nghiệm tích cực hơn trên không gian mạng.
Phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em cần được tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng để giúp trẻ vượt qua các trải nghiệm không may một cách nhẹ nhàng hơn. Cần cho trẻ hiểu rằng: “Những gì xảy ra chỉ là tai nạn, mọi lỗi lầm là do kẻ gây ra rắc rối hoặc xâm hại trẻ. Trẻ đã làm đúng khi chia sẻ với người lớn để nhận sự hỗ trợ”.
Và khi được trang bị những kiến thức về an toàn mạng, các bạn trẻ sẽ tự tin hơn khi truy cập, giảm thiểu rủi ro bị bắt nạt và xâm hại. Tuy nhiên, những kiến thức này cần được thường xuyên giảng dạy và cập nhật vì Internet thay đổi mỗi ngày.
Hành trình trong không gian mạng trở thành một phần của nhịp sống 4.0 và người trẻ thế hệ gen Z trưởng thành cùng sự phát triển bùng nổ của công nghệ và các nền tảng số. Trao kỹ năng tự vệ cho các em trong “thế giới phẳng” là một kỹ năng mềm cần thiết, để đồng hành trưởng thành cùng các bạn nhỏ.
Và mọi rủi ro xảy ra, xin hãy ngừng phán xét, bởi có không ít những “tai nạn” trực tuyến trong thời gian qua mà nạn nhân trở thành người có lỗi, khi một bộ phận dư luận vẫn còn tâm lý “tốt khoe xấu che” và lỗi thường thuộc về kẻ yếu thế.
Hiện nay, CLB An toàn Thông tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM đang tích cực phát triển các sản phẩm cho cộng đồng với nhiều độ tuổi khác nhau để nâng cao nhận thức và kiến thức tham gia không gian số an toàn, qua website: https://antoanso.org/
* Để giải quyết tình trạng phát tán tài liệu lạm dụng trẻ em trên mạng, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các công ty công nghệ và mạng xã hội phải có nhiều biện pháp hơn nữa để phát hiện và loại bỏ các hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, đồng thời bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của những đối tượng yếu thế.
Cuối tháng 8 vừa qua, DSA chính thức có hiệu lực. Nếu không tuân thủ quy định trong DSA, các công ty công nghệ lớn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Nếu tiếp tục tái diễn nhiều lần, dịch vụ đó có thể bị cấm tại châu Âu.
* Tại châu Á, theo quy định mới của Chính phủ Trung Quốc, tất cả người dưới 18 tuổi sẽ mất quyền truy cập internet bằng thiết bị di động trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2-9 vừa qua, sau quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng áp dụng một hệ thống theo cấp độ để quản lý thời gian sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em, trong đó cho phép thời gian tối đa 40 phút/ngày đối với những trẻ dưới 8 tuổi và 2 giờ/ngày đối với những thiếu niên từ 16-17 tuổi.
* Cuối năm 2022, Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo luật Tăng cường an toàn trực tuyến. Trong đó, có nội dung thể hiện rõ sự quan tâm tới người dùng trẻ tuổi dễ bị tổn thương bởi các tác động tiêu cực từ thông tin độc hại trên mạng xã hội.
Quy tắc thực hành về an toàn trực tuyến sẽ được áp dụng trên các nền tảng mạng xã hội với nhiều biện pháp bảo vệ cần thiết để ngăn người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em dưới 18 tuổi, truy cập nội dung độc hại.
Những biện pháp này bao gồm các công cụ cho phép trẻ em hoặc các bậc cha mẹ quản lý sự an toàn trên các mạng xã hội và cơ chế để người dùng báo cáo nội dung có hại cũng như các tương tác không mong muốn.