Rap Việt: sáng và tối

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, rap đã trở thành một phần chủ đạo của diện mạo nhạc nhẹ Việt Nam chứ không còn chỉ ở vai trò của dòng chảy ngầm (underground) như ngày xưa nữa. Rap đã lên dòng chủ lưu, với việc nhiều nghệ sĩ rap đầu quân cho các hãng đĩa, với sự xuất hiện của rap trong các hòa nhạc lớn, với một lượng khán giả đông đảo...

Và, trong sự phát triển cuồn cuộn hơi thở thời đại ấy, hai gương mặt sáng và tối của rap Việt cũng bộc lộ rõ hơn, đủ để người nghe cần tỉnh táo hơn.

Ở mảng sáng, những cái tên như Đen Vâu, Double 2T... luôn mang lại năng lượng tích cực không chỉ qua việc họ làm ngoài xã hội mà còn ở trong từng câu chữ mà họ chọn lựa cho các bản ghi âm của mình. Chính Đen Vâu đã nhận được sự tôn trọng và ghi nhận của cộng đồng rap về những gì anh đã làm được cho thứ âm nhạc còn non trẻ đó trên thị trường giải trí Việt Nam.

Nghệ sĩ Đen Vâu.

Nghệ sĩ Đen Vâu.

Có thể nói, nhờ vào sức lan tỏa của mình, qua những bản ghi âm kiểu như “Rủ nhau đi trốn”, “Mười năm”, “Bài này chill phết”..., Đen Vâu đã cho khán giả đại chúng nhận ra rằng hóa ra rap không phải là thứ âm nhạc quá xa xôi, quá lạ lẫm và kén chọn người nghe. Bằng những đề tài gần gũi với đời sống, Đen Vâu đã tạo ra một sức sống cho rap đúng nghĩa và cho dù trong thế giới ngầm của rap, Đen chưa được xem là một “lão đại” nhưng anh đã tạo ra nguồn cảm hứng lớn cho những đàn em sau này, những người coi rap như lẽ sống và lựa chọn rap như một con đường duy nhất để thể hiện mình.

Song, bên cạnh mảng sáng tích cực ấy, mảng tối tiêu cực đã bắt đầu bộc lộ ra ngày một nhiều hơn. Những bản ghi âm để công kích lẫn nhau (được gọi là diss) ngày một nhiều hơn, không dùng ngôn ngữ tục tĩu thì cũng dùng những dữ kiện thô lậu, thể hiện thái độ thù địch, hằn học và nhiều khả năng có thể kích động bạo lực. Đơn cử như gần đây nhất là cuộc chiến giữa ICD với Richoi, giữa Thành Draw với Typh 16. Những bản “diss” như thế này gợi nhắc thời kỳ “cuộc chiến rap” cách đây khoảng 15-16 năm, khi mà các bản ghi âm đã thổi bùng ngọn lửa đối địch và từng dẫn tới những đổ máu có thật ngoài đời sống giữa rapper nhóm này với rapper nhóm khác, giữa rapper địa phương này với rapper địa phương khác.

Ở thế giới dòng chảy ngầm (underground), xu hướng chung là các rapper tự do thể hiện một cách thái quá và bất chấp. Điều này có thể chấp nhận được vì khi ấy, âm nhạc của họ thuộc về thiểu số, không đại diện cho diện mạo văn hóa đại chúng và tầm mức ảnh hưởng tới xã hội không lớn. Nhưng, khi đã bước ra thế giới của âm nhạc chủ lưu, được vinh danh là những nghệ sĩ và có lượng khán giả đủ lớn để tạo ảnh hưởng, việc kiểm duyệt nội dung trước khi cho ra mắt là rất cần thiết. Không thể chỉ vin vào một quan điểm yếu ớt là “văn hóa hip hop nó là như thế” để bảo vệ cho cách làm nhiều khi là kém văn hóa này.

Xã hội Âu - Mỹ và xã hội Á Đông khác nhau rất xa, đặc biệt là trong hành vi. Tiếp nhận văn hóa hip hop nhưng cũng cần phải có những sàng lọc để phù hợp với văn hóa Việt Nam bởi khán giả chủ đạo của rapper Việt là người Việt Nam. Việc công khai, thản nhiên tung ra những bản rap mà không có bất kỳ mục đích nào khác ngoài chửi bới, thóa mạ nhau cho thấy đang có một sự sao chép méo mó của rapper Việt cũng như hệ lụy rất lớn đối với người nghe giới trẻ, những người dễ bị ảnh hưởng của thần tượng nhất.

Và, nhất thiết, các nhà sản xuất chương trình cũng nên cân nhắc lựa chọn rapper nào có thể đủ tiêu chuẩn văn hóa để tham gia các chương trình lớn, có sức phủ sóng rộng của mình. Tôn vinh một làn sóng âm nhạc mới là đúng, nhưng cần phải là những tác giả có những tác phẩm mang lại sự tích cực cho xã hội chứ không phải những “thánh chửi” đội lốt tấm áo mỹ miều mang tên “nghệ sĩ”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/rap-viet-sang-va-toi-i734817/