Rất ít Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tham dự phiên tòa hành chính, ĐBQH đề nghị tăng chế tài

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng nêu, thực tế rất nhiều Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND vắng mặt không tham dự phiên tòa hành chính, đối thoại, thậm chí không cung cấp chứng cứ đúng hạn, gây khó khăn công tác xét xử…

Phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 26-5

Phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 26-5

Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (1 luật sửa 5 luật).

Qua thảo luận, các ý kiến ĐBQH đều cơ bản tán thành với Tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này.

Góp ý vào nội dung cụ thể, các đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) hay Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đều bày tỏ sự quan tâm đến quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) khu vực và TAND cấp tỉnh.

Các đại biểu đề nghị, việc giao thẩm quyền cho TAND khu vực cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là quy định về việc chuyển giao đối với các vụ việc còn đang được giải quyết sơ thẩm khi không còn cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phân tích thêm, Luật Tố tụng hành chính hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi chưa có quy định, chế tài xử lý các trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.

Thực tế cho thấy rất ít vụ án có lãnh đạo UBND trực tiếp tham dự, gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử. Vì vậy, vị ĐBQH này đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung chế tài cụ thể để bảo đảm yêu cầu trách nhiệm và kỷ luật hành chính trong quá trình tổ chức tố tụng.

Cũng tham gia phát biểu thảo luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (ĐBQH đoàn Bắc Giang) quan tâm đến việc thành lập Tòa chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế nhằm thu hút các nguồn lực quốc tế, phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc khi tình huống pháp lý có xung đột, tài sản và quyền sở hữu của họ được bảo vệ. Thiết chế để bảo vệ tài sản này chính là cơ quan giải quyết tranh chấp trong Trung tâm tài chính, trong đó có tòa chuyên biệt.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình góp ý, nếu luật chỉ dừng ở việc quy định thành lập tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính thì chưa đủ, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để câu chuyện.

Từ đó, ông nêu một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu như: về ngôn ngữ trong xét xử, không nên yêu cầu phải xét bằng tiếng Việt; về thẩm phán, cần phải có đội ngũ thẩm phán đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, tranh chấp có yếu tố nước ngoài, nhưng trong ngắn hạn khi chưa đáp ứng được yêu cầu này thì có nên xem xét thuê thẩm phán nước ngoài hay không…

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí phát biểu

Phát biểu tiếp thu và làm rõ hơn ý kiến các ĐBQH nêu ra, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí - thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo luật – cho biết, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật lần này chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến bộ máy chính quyền 2 cấp, bảo đảm nguyên tắc tinh gọn bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo ông Trí, sẽ sắp xếp 693 TAND cấp huyện để thành lập 355 TAND khu vực. Khi đó, số vụ án vụ việc, cũng như thẩm quyền, nhiệm vụ, chức năng của TAND khu vực sẽ lớn hơn TAND cấp huyện trước đây. Do đó, cần tăng cường nguồn nhân lực cho TAND khu vực.

Mặt khác, phải tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới. Vì thế, phải bảo đảm TAND 3 cấp hoạt động một cách đồng bộ, đồng thời cũng phải đồng bộ với các cơ quan điều tra, kiểm sát.

Với ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình về quy định thành lập tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế trong dự thảo luật, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, dự thảo Luật mới chỉ đưa nội dung này vào chứ chưa quy định cụ thể vì đây là vấn đề mới.

“Chúng ta phải nghiên cứu trước, từ việc phải đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh thế nào, đào tạo kiến thức về thông luật, hiểu biết pháp luật quốc tế thế nào khi áp dụng giải quyết tranh chấp… Đây là vấn đề lớn, chúng tôi sẽ quyết liệt làm theo yêu cầu chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là để đáp ứng xu thế phát triển của đất nước khi thành lập hai Trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng” - ông Lê Minh Trí nói.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/rat-it-chu-tich-pho-chu-tich-ubnd-tham-du-phien-toa-hanh-chinh-dbqh-de-nghi-tang-che-tai-post612855.antd