Rất ít HS chọn học Khoa học cây trồng dù đầu vào chỉ 15-16 điểm, học phí thấp
Việc ngày càng đa dạng phương thức xét tuyển đối với ngành Khoa học cây trồng của trường ĐH nhằm thu hút học sinh tuy nhiên lượng thí sinh nhập học còn thấp.
Là một ngành học nền tảng trong lĩnh vực Nông nghiệp, ngành Khoa học cây trồng (Mã ngành 7620110) đào tạo kỹ sư nghiên cứu về đặc điểm di truyền và sinh lý của cây trồng, các yếu tố môi trường liên quan đến sự phát triển của cây trồng như ánh sáng, dưỡng chất, nhiệt độ, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, … Đồng thời, ngành học này cũng đào tạo kỹ sư nghiên cứu cả những yếu tố ngăn cản sự phát triển của cây trồng (cỏ dại, các vi sinh vật gây bệnh và côn trùng…).
Với đặc trưng của ngành học là nghiên cứu và phân tích, giải quyết các vấn đề liên quan đến cây trồng, Khoa học cây trồng vốn liên quan đến sự phát triển của nhiều ngành khác trong lĩnh vực Nông nghiệp.
Ngày 19 tháng 6 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Mục tiêu chung của Đề án là “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp”.
Đặc biệt, Quyết định đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Trước đó, ngày 30 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phấn đấu đến năm 2050 trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới.
Điểm chuẩn tại các cơ sở đào tạo đều chỉ dao động từ 15 điểm đến hơn 18 điểm
Mặc dù là một ngành học quan trọng trong bối cảnh nước ta đang hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như xuất phát điểm của Việt Nam là một nước nông nghiệp như vậy, tuy nhiên qua tìm hiểu của phóng viên, điểm chuẩn ngành Khoa học cây trồng tại hầu hết các trường đại học đào tạo ngành học này những năm gần đây đều khá giống nhau, chỉ dao động từ 15 điểm đến hơn 18 điểm.
Phóng viên đã tiến hành khảo sát điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 04 cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành học này trên cả nước trong 2 năm tuyển sinh 2023 và năm 2024.
Theo đó, điểm chuẩn ngành Khoa học cây trồng của Trường Đại học Lâm nghiệp và Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) có xu hướng tăng nhưng tăng nhẹ và không đáng kể. Cụ thể, ngành Khoa học cây trồng của Trường Đại học Lâm nghiệp tăng từ 15 điểm (năm 2023) lên 15,4 điểm (năm 2024); Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) tăng từ 15 điểm (năm 2023) lên 16 điểm (năm 2024).
Thậm chí, điểm chuẩn ngành Khoa học cây trồng của một số cơ sở giáo dục đại học còn có xu hướng giảm. Cụ thể, điểm chuẩn ngành Khoa học cây trồng của Trường Đại học Hà Tĩnh giảm từ 16 điểm (năm 2023) xuống 15 điểm (năm 2024); ngành học này tại Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) giảm từ 18,66 điểm (năm 2023) xuống 16 điểm (năm 2024).
Mặc dù điểm chuẩn ngành Khoa học cây trồng không cao, thế nhưng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành học này lại tương đối cao. Qua tìm hiểu của phóng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Khoa học cây trồng của một số trường đại học đào tạo lĩnh vực này đều dao động từ trên 70% đến 100%.
Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm này của một số cơ sở đào tạo còn có xu hướng tăng như Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khi tăng từ 74,19% (năm 2023) lên 93,12% (năm 2024).
Với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là tương đương đối cao và ở một số cơ sở có xu hướng tăng về tỷ lệ này như vậy, có thể thấy rằng, nhu cầu về nhân lực đối với ngành Khoa học cây trồng là khá cao.
Về học phí, đối với chương trình đào tạo chuẩn, học phí ngành học Khoa học cây trồng của một số cơ sở giáo dục đại học thường chỉ dao động từ khoảng 12 triệu đồng đến hơn 15 triệu đồng cho mỗi năm học (khoảng 10 tháng). Hơn nữa, lộ trình tăng học phí cũng không tăng quá nhiều.
Đơn cử, đối với Trường Đại học Hà Tĩnh có mức học phí cho năm học 2024-2025 là từ 1.360.000 đến 1.590.000 đồng/tháng, dự kiến năm học 2025 – 2026 có mức học phí là từ 1.540.000 đến 1.800.000 đồng/tháng.
Phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng hóa
Về phương thức tuyển sinh, theo ghi nhận của phóng viên, năm 2024, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Khoa học cây trồng đều sử dụng phương thức xét tuyển khá đa dạng, thậm chí số lượng phương thức xét tuyển năm sau còn có xu hướng tăng so với năm trước.
Đơn cử, Trường Đại học Hà Tĩnh tăng từ 5 lên 6 phương thức xét tuyển; Trường Đại học Nông Lâm ( Đại học Huế) tăng từ 2 lên 3 hương thức xét tuyển; Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tăng từ 6 lên 7 phương thức xét tuyển.
Bên cạnh những phương thức xét tuyển như dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (điểm học bạ), Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều trường đã sử dụng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp với các chứng chỉ quốc tế hay xét tuyển thẳng, …
Có thể thấy, việc ngày càng đa dạng các phương thức xét tuyển đối với ngành Khoa học cây trồng của cơ sở giáo dục đại học nhằm thu hút thí sinh quan tâm, đăng ký ngành học này nhiều hơn.
Về chỉ tiêu tuyển sinh trong 2 năm gần đây, phóng viên thấy rằng, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Khoa học cây trồng đều giữ khá ổn định qua các năm. Tuy nhiên, số sinh viên nhập học vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh.