'Rất khó chịu khi quảng cáo trực tuyến xuất hiện dày đặc'

Sáng 10/5, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, thông qua báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Quảng cáo, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho rằng, Việt Nam đang là nền kinh tế năng động, tăng trưởng cao, tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội cao. Đây là môi trường tốt cho hoạt động quảng cáo (nhất là quảng cáo trực tuyến) có điều kiện phát triển, trở thành kênh truyền thông không thể thiếu của doanh nghiệp, hiện vẫn còn dư địa phát triển.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh đã làm cho hoạt động quảng cáo thiếu minh bạch, khá khó khăn trong việc kiểm soát. Từ đó, dẫn đến quảng cáo sai sự thật, quảng cáo “bẩn”, nội dung độc hại tràn lan trên mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, nhất là giới trẻ. Việc thu thập, sử dụng dữ liệu người dùng để quảng cáo đôi khi không minh bạch, xâm phạm quyền riêng tư. Nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu trò quảng cáo gây hiểu lầm, cạnh tranh không lành mạnh.

“Khách hàng ngày càng khó chịu với quảng cáo xuất hiện dày đặc, gây gián đoạn trải nghiệm trực tuyến. Bản thân tôi cũng rất bực bội khi sử dụng phần mềm phục vụ cho công việc hay xem tin tức, giải trí trên Internet mà cứ bị quảng cáo trực tuyến xen vào, có khi lên đến 30 giây, 50 giây” - đại biểu Trình Lam Sinh bày tỏ.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là rất cần thiết, giúp có khung pháp lý vững chắc để quản lý thị trường quảng cáo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khoản 8, Điều 1 của dự thảo quy định: “Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”. Theo đại biểu, đây là nghĩa vụ mà người quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, chính xác về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo cho người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; đồng thời cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, quy định trên đối với quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là chưa hoàn toàn thống nhất với Khoản 1, Điều 15a, đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát.

Hiện nay, hoạt động quảng cáo và chương trình quảng cáo sử dụng nhiều từ ngữ “lạ”, “nhạy cảm” và khá đa dạng. Tại kỳ họp thứ 8, đã có một số đại biểu phát biểu về vấn đề này. Do đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất giao cho Chính phủ hoặc bộ, ngành rà soát, quy định cụ thể đối với từ ngữ, tiếng nói, chữ viết không được sử dụng trong sản phẩm quảng cáo; vừa linh hoạt điều chỉnh, bổ sung, vừa giúp địa phương có cơ sở thẩm định, cấp phép.

Tương tự, luật sẽ khó theo kịp biến tướng của việc sử dụng thời lượng của các loại hình quảng cáo. Đại biểu đề xuất nên giao Chính phủ hoặc bộ, ngành quy định về thời lượng quảng cáo. Như vậy, vừa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Công văn 15/CTQH, ngày 29/10/2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật; vừa linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết, giúp hoạt động quảng cáo luôn phát triển lành mạnh. Đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, giao Chính phủ quy định nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những nội dung khác trong dự thảo. Bởi lẽ, thị trường quảng cáo hoạt động rất đa dạng, sáng tạo, thay đổi không ngừng, nếu quy định quá chi tiết trong luật, có khi chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý, cấp phép, điều chỉnh hay xử lý.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-rat-kho-chiu-khi-quang-cao-truc-tuyen-xuat-hien-day-dac--a420515.html