Rau lẻ, bài thuốc quý trên đảo tiền tiêu

Anh bạn của chúng tôi vừa có chuyến du lịch đến đảo tiền tiêu Phú Quý 3 ngày 2 đêm. Sau chuyến đi này anh kể lại rằng, ngoài cảnh sắc thiên nhiên, hải sản tươi sống các thứ, thì ở đây anh rất ấn tượng với món canh nấu từ một loại rau ăn rất lạ miệng.

Hỏi kỹ mới biết đó là rau lẻ, một loại rau mọc hoang không chỉ dùng để làm thực phẩm mà còn là một vị thuốc quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho hòn đảo này.

Ở Phú Quý loại rau này nhiều lắm, chỗ nào có cát là nó mọc. Việc thu hái rau lẻ cũng rất dễ dàng, chỉ cần ra vườn hoặc đi dọc theo đụn cát ven biển dăm mười phút là có cả rổ rau. Ở đây người ta chủ yếu đi hái về dùng chứ ít có mua; mà mua cũng rẻ, đâu khoảng 20.000 đồng là có cả ký rau.

Rau lẻ sống tự nhiên, nhờ nước trời và sương đêm. Mùa nắng lụi tàn, khi có mưa thì nảy ra những chùm lá xanh tươi mà không cần chăm sóc. Nếu trong vườn nhà, nơi nào có độ ẩm, lá mục và đủ ánh sáng mặt trời thì nó sống quanh năm.

Qua quan sát thấy rằng, rau mọc từng chùm, cao cách mặt đất khoảng 7 - 8 cm. Ở mỗi gốc có thể mọc ra 2 hay 3 thân bò hình sợi dài; trên mỗi thân bò chia thành nhiều đốt. Ở mỗi đốt lại có rễ ăn xuống đất và sinh trưởng thành một cây riêng, cứ như vậy mọc lan chạy dài mãi. Khi nhổ lên thì thấy rễ dài, to mập màu vàng nhạt. Rau lẻ khi ra hoa có màu vàng, như hoa cúc.

Rau lẻ sau khi hái về rửa sạch có thể dùng để ăn sống với các món cá chiên, luộc để chấm với cá kho, hoặc nấu canh tôm, tép khô đều rất ngon; còn đem củ phơi héo rồi sao vàng nấu nước, dùng như một thức uống giải nhiệt.

Người viết bài này cũng thuộc dạng có “thâm niên” ở đảo Phú Quý, đã rất nhiều lần được ăn loại rau này nhưng cũng ít để ý tới. Nay nhân tiện có người tấm tắc khen nên mới tìm hiểu và được biết nó có tên sa sâm – một loại dược liệu quý trong y học.

Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi trong công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (NXB Khoa học và kỹ thuật, 1986) thì Sa = cát, cây thuốc có công dụng như sâm mà lại mọc ở cát ven biển nên gọi là sâm cát. Củ được dùng trong đông y để chữa bệnh ho, trừ đờm, chữa sốt. Lá ăn sống như rau xà lách và chữa bệnh tạng bạch huyết… Rễ nấu nước uống cho mát phổi, nhuận và thông tiểu. Ở Nha Trang, những người đi biển dùng cây này giã nhỏ để chữa vết trầy xước.

Thông tin từ internet, hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở tỉnh Bến Tre đã đầu tư trồng chuyên canh sa sâm để chế biến thành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xuất khẩu.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/rau-le-bai-thuoc-quy-tren-dao-tien-tieu-98934.html