'Rau muống tháng chín...'

Độc giả Lê Thu Hà hỏi: 'Tôi thấy câu tục ngữ 'Rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn' được nhiều người đưa ra hai cách hiểu: 1. Rau muống tháng chín hiếm, nàng dâu thảo nhịn miệng cho mẹ chồng ăn; 2. Rau muống tháng chín không ngon, nàng dâu giả bộ nhường cho mẹ chồng ăn, hoặc cố tình làm vậy cho bõ ghét.

Vậy xin chuyên mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa” cho biết trong hai cách hiểu trên, cách nào là đúng; hay là cả hai cách hiểu đều được chấp nhận?

Xin trân trọng cảm ơn”.

Trả lời: Đúng là câu “Rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, được không ít người dẫn ra hai cách hiểu như độc giả Lê Thu Hà nêu. Ví như Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) đã giảng như sau: “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn (Tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm) Có ý nói: Thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng. Song cũng có người cắt nghĩa trái lại, cho rằng: Rau muống tháng chín cứng, nàng dâu chẳng ưa mẹ chồng dọn cho mẹ chồng ăn”.

Theo chúng tôi, với trường hợp này thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để loại trừ cách lí giải thứ nhất, lựa chọn cách thứ hai.

Rau muống là loại rau có nhu cầu đạm rất cao, thích hợp với khí điều kiện nắng nóng chứ không ưa lạnh. Mùa hè nắng lắm mưa nhiều, có lượng đạm trời dồi dào, rau muống sinh trưởng mạnh, liên tục ra ngọn tươi non, ngon ngọt. Trong khi thời tiết miền Bắc tháng chín đã trở lạnh, bắt đầu mùa khô hanh, những cơn mưa rào thưa dần; ruộng rau muống cấy từ cuối xuân sang hè cũng bắt đầu già, có hoa, ăn vừa cứng vừa chát, hiếm mà không quý (Tục ngữ về thời vụ gieo trồng có câu “Cần xuống, muống lên”, nghĩa là bắt đầu cuối Thu sang Đông, là thời vụ cấy rau cần [“cần xuống”] cũng là lúc kết thúc mùa rau muống [“muống lên”] là vậy).

Điều thứ hai, trong thực tế vẫn có những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp. Tuy nhiên, phản ánh tình cảm yêu thương chân thật giữa mẹ chồng nàng dâu, chưa bao giờ trở thành chủ đề của thành ngữ, tục ngữ. Ngược lại, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn hiện lên trong thành ngữ, tục ngữ như là sự xung đột dai dẳng, “truyền kiếp”, bằng mặt không bằng lòng, tới mức thành bản chất, chứ không phải sự thương yêu, quý mến nhau thực sự. Chúng ta có thể dẫn ra hàng loạt câu tục ngữ phản ánh điều này, như: Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt cho mẹ chồng; Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở ưa nhau bao giờ; Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói; Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể,...

Có một điều cũng cần phải nói rõ thêm. Hiện nay, với mục đích sản xuất hàng hóa, rau muống được trồng nhiều lứa và chăm bón nhiều loại dinh dưỡng nên có thể sản xuất quanh năm, và sang tháng chín, tháng mười thì rau muống vẫn khá tươi non. Nếu chiếu theo thực tế này thì câu tục ngữ có vẻ không đúng. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt vào hoàn cảnh ra đời cũng như sự tồn tại của nó trong lịch sử. Đó là xưa kia, khi trồng rau nói chung và rau muốn nói riêng thì hầu như rất hiếm khi người ta trồng trái vụ, bởi “mùa nào thức ấy”, phải nương theo mùa vụ thích hợp để cây trồng sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh; ngoài khai thác nguồn dinh dưỡng tích lũy trong đất, còn hấp thu được nguồn đạm tự nhiên. Bởi thế, khi thiếu hụt nguồn dinh dưỡng từ những cơn mưa rào mát lành, cũng như khí hậu không còn phù hợp thì rau muống trái vụ rất già, cứng và chát.

Như vậy, cùng một thành ngữ, tục ngữ nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết, nếu như những cách hiểu ấy có lý. Tuy nhiên, với cách hiểu sai thì không nên xem như một cách hiểu tồn tại song song. Trường hợp câu tục ngữ đang xét, bằng kiến văn, chúng ta có thể loại trừ cách hiểu thứ nhất, lựa chọn cách hiểu thứ hai.

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/rau-muong-thang-chin-33199.htm