Rau, thịt chạy theo đà tăng giá xăng, người tiêu dùng lo lắng chi tiêu
Trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng mạnh và lập đỉnh gần 30.000 đồng/lít, giá các loại hàng hóa thiết yếu cũng ngay lập tức có tín hiệu tăng theo.
Đồng loạt tăng giá vì xăng, dầu
Từ sau dịp Tết Nguyên Đán tới nay, giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh khiến nhiều mặt hàng thiết yếu cũng chạy theo mà lập mặt bằng giá mới.
Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh địa bàn TP. Hà Nội, hầu hết giá của các loại rau, thịt, hải sản đều đồng loạt tăng. Các tiểu thương cũng khẳng định rằng, do giá xăng đắt đỏ vì thế khâu vận chuyển hàng hóa, giá cả nguyên vật liệu đều tăng cao nên buộc phải tăng giá mới có lãi.
Hầu hết giá của các loại rau, thịt, hải sản đều đồng loạt tăng.
Theo đó, giá rau tăng từ 5.000 – 20.000 đồng tùy loại. Cụ thể, rau ngót, cải canh tăng từ mức 7.000 đồng/mớ lên khoảng 10.000 – 12.000/đồng/mới. Ngoài ra, bắp cải tăng từ 7.000 – 18.000 đồng/kg,; cải xoong tăng từ 10.000 ¬¬- 15.000 đồng/kg.
Chị Lê Thu Phương, tiểu thương kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Giá rau đợt này vẫn luôn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với áp lực giá xăng dầu tăng mạnh nên hầu hết tất cả các loại hàng hóa đều tăng chứ không riêng gì rau”.
Giá rau tăng từ 5.000 – 20.000 đồng tùy loại.
Bên cạnh đó, giá cả của các loại thịt cũng nhỉnh hơn so với giá cũ. Giá thịt lợn mông sấn dao động khoảng 100.000 đồng/kg, giá thịt nạc vai khoảng 150.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 đồng so với mức trước đây. Giá thịt gà ta cũng tăng từ 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 135.000 – 150.000 đồng/kg.
Ngoài ra, giá cả mặt hàng thủy sản và hải sản cũng tăng theo đà giá xăng. Cá trắm hiện có giá dao động từ 50.000 – 90.000 đồng/kg; cá trôi từ 50.000 đồng/kg; tôm tăng mức 230.000 đồng/kg lên 250.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại.
Giá cả mặt hàng thủy, hải sản cũng tăng theo đà giá xăng.
Theo chị An, tiểu thương kinh doanh tại chợ Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ, rất khó để kìm giá của các loại thực phẩm thiết yếu khi giá xăng, dầu tăng kỷ lục như hiện nay: “Hôm trước giá xăng tăng bao nhiêu, thì hôm sau nhập hàng về các thương lái cũng tăng bấy nhiêu. Hơn nữa, kinh doanh tại chợ phải qua nhiều khâu trung gian khác nên chúng tôi cũng phải tăng giá. Tuy nhiên, các mặt hàng cũng không dám tăng mạnh, chỉ khoảng 5-10% mỗi mặt hàng”.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng không ngừng khiến sức mua của người dân cũng giảm đi nhiều so với trước đây.
Cũng theo chị An, giá cả đắt đỏ khiến nhiều người không khỏi đắn đo khi đi chợ. “Sức mua giảm đi đáng kể, nếu trước đây, mỗi người tới tiệm tôi thường mua từ 1 – 1,5kg thịt nhưng giờ giá tăng nên họ chỉ mua khoảng 5 lạng thôi” – chị An cho biết.
Người tiêu dùng lao đao
Việc giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh những ngày qua đã tác động trực tiếp tới đời sống của người tiêu dùng, đặc biệt là sinh viên và lao động tự do.
Vừa phải chi trả tiền xăng xe hằng ngày, vừa phải lo chi phí sinh hoạt, Nguyễn Thị Hoa, sinh viên năm 3 (Đại học Thương mại), chia sẻ: “Giá cả tăng chóng mặt khiến tôi rất lo lắng. Chi phí đi lại và sinh hoạt cũng tăng lên đáng kể nên buộc phải tiết kiệm. Muốn chi tiêu gì cũng phải tính toán cẩn thận nếu không sẽ vượt quá khả năng chi trả của bản thân”.
Tình hình giá cả leo thang khiến người tiêu dùng lao đao, tìm cách thích nghi mới, tiểu thương doanh nghiệp cũng “gồng mình” trước bão giá.
Chị Định, sinh sống tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết: “Mỗi ngày đi chợ lại thấy một giá khác nhau. Hôm trước hỏi bó rau 10.000 đồng, hôm nay đã tăng lên 15.000 đồng. Đúng là “hoa mắt, chóng mặt” vì giá cả”.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh