RCEP được ký kết: Nền kinh tế Campuchia chờ cơ hội chuyển mình

Cuối cùng, sau những tháng ngày chờ đợi, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RCEP) cũng đã chính thức được ký kết.

Sự kiện này mang đến kỳ vọng chuyển mình toàn diện mới trong dòng chảy thương mại, đầu tư trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng nội khối và củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia vào khu vực thương mại tự do này.

Cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ cuối năm 2012. Nếu nhìn vào các điều khoản của Hiệp định đã đủ cho chúng ta thấy mức độ phức tạp và khối lượng công việc đồ sộ ngay từ những ngày đầu của quá trình đàm phán giữa các quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác thương mại tự do là: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Hiệp định này được ký kết bởi 15 quốc gia thành viên, do Ấn Độ đã rút khỏi cuộc đàm phán vào năm ngoái khi viện lý do những thỏa thuận trong Hiệp định không còn phù hợp với lợi ích quốc gia của Ấn Độ… Tuy nhiên, các quốc gia ký kết RCEP vẫn để ngỏ khả năng Ấn Độ cân nhắc lại quyết định của mình. "Tất cả các quốc gia thành viên vẫn để ngỏ khả năng Ấn Độ tham gia RCEP", Seang Thay, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia nói. Ông chỉ ra rằng, Ấn Độ đã tham gia vào các cuộc đàm phán từ khi họ được mời tham dự họp tại Phnom Penh năm 2012. Ông cũng không quên lưu ý rằng, Ấn Độ là một đối tác toàn diện trong khu vực và chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như tham gia phát triển chuỗi sản xuất toàn diện hơn trong khu vực.

 Các đại biểu tham dự Lễ ký Hiệp định RCEP. Ảnh: Báo QĐND.

Các đại biểu tham dự Lễ ký Hiệp định RCEP. Ảnh: Báo QĐND.

Ông Seang Thay cho hay, các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) chỉ ra rằng, thành công từ việc kết thúc đàm phán có thể đóng góp thêm vào tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Campuchia. Các dự báo của ERIA dự đoán, từ kết quả của việc ký kết và phê chuẩn cuối cùng đối với Hiệp định này xuất khẩu của Campuchia sẽ tăng 7,3% hàng năm, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 23,4% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 2%.

Tiến sĩ Jayant Menon, một thành viên cấp cao Học viện ISEAS-Yusof Ishak Institute nhận định, việc ký kết Hiệp định là một bước phát triển tích cực, xảy ra đúng thời điểm đang có những phản ứng mạnh mẽ chống lại toàn cầu hóa và áp lực bảo hộ ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Trong bối cảnh này, RCEP có khả năng cho ra đời một Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới, hiệp định chiếm gần một phần ba dân số và sản lượng kinh tế của thế giới. “RCEP sẽ tập trung vào việc dung hòa các quy tắc và quy định. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các chuỗi cung ứng trong khu vực, tiết kiệm chi phí hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, RCEP sẽ chỉ tạo ra sự khác biệt nếu từng quốc gia thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định và thực hiện nó một cách nghiêm túc”, Tiến sĩ Menon nói.

Chheng Kimlong, Phó chủ tịch thứ hai của Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) thuộc tổ chức tư vấn Campuchia cho biết, việc tham gia RCEP mang lại cho Campuchia nhiều cơ hội mới bao gồm việc thiết lập các thị trường xuất khẩu chưa được khai thác, tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài, tiềm năng nâng cấp nền tảng kinh tế và cơ sở tăng trưởng kinh tế Campuchia. Ông lưu ý rằng, một khi RCEP có hiệu lực, nó có thể trở thành liên minh thương mại lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu và gần 30% GDP toàn cầu. Ông cho biết thêm, Campuchia sẽ có thể định hình lại thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ của mình cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. “Mở cửa nền kinh tế Campuchia nhằm thu hút đầu tư và tiếp cận công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế của chúng tôi. Thỏa thuận lớn do RCEP đại diện có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết trong suốt chặng đường đi”, ông Kimlong nói.

Hiệp định RCEP sau khi được phê chuẩn sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất trên thế giới tạo ra một thị trường 2,2 tỷ người dân (khoảng 30% dân số thế giới), với GDP gần 26,2 nghìn tỷ USD (30% GDP thế giới), chiếm khoảng 28% thương mại thế giới, dựa trên dữ liệu năm 2019.

ĐOÀN TRUNG (Theo Khmer Times)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/rcep-duoc-ky-ket-nen-kinh-te-campuchia-cho-co-hoi-chuyen-minh-644068