RCEP giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối tốt hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu
Hội thảo 'Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới' do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) tổ chức đã thu hút hơn 200 đại biểu dự.
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.Hồ Chí Minh (CIIS) đánh giá, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, chiếm 32% GDP toàn cầu. Hiệp định này hứa hẹn mở ra cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và giúp Việt Nam có thể kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu so với các Hiệp định thương mại tự do FTA khác.
Bên cạnh những nhận định khả quan về Hiệp định này, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng lưu ý RCEP sẽ mang lại một số thách thức như: yêu cầu giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch một cách chặt chẽ; thách thức về nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia thành viên. Do đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm hiểu kỹ các quy định thị trường để kịp thời thích ứng và thay đổi.
Làm rõ những điểm mới về quy tắc xuất xứ được quy định trong RCEP so với các FTA khác, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Khu vực TP.Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các ngành dệt may, thủy sản chế biến… có lợi thế xuất qua các nước thành viên RECP, hiệp định mới nhưng không quá khó cho doanh nghiệp thực thi, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực.
“Tuy nhiên, về rủi ro tranh chấp, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp sẽ lưu ý tránh bị vướng vào tranh chấp về xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ… Những tranh chấp này có xu hướng tăng và nếu không thận trọng, các tranh chấp nhỏ sẽ trở nên lớn và phức tạp hơn” – ông Bình lưu ý./.