RCEP khẳng định cam kết hội nhập kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương
Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cho thấy, phần lớn các quốc gia châu Á ủng hộ một khuôn khổ thương mại tự do khu vực, hoạt động mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế châu Á, và coi đó là một bước ngoặt để đạt được hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn ở Đông và Đông Nam Á.
15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong ngày 15/11.
RCEP đưa ra thông điệp rằng các nước châu Á không muốn chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.
Khi châu Á muốn tự nắm bắt hội nhập
Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế châu Á đã khởi động đàm phán RCEP vào năm 2012, dưới sự chủ trì của ASEAN và với sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung Quốc cùng các nền kinh tế châu Á khác. Ở một mức độ nào đó, RCEP phản ánh ý chí của các nước châu Á trong việc tự mình nắm bắt vấn đề hội nhập kinh tế khu vực.
RCEP và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không nhất thiết phải cạnh tranh với nhau. Thay vào đó, chúng thể hiện các mức độ mở cửa và tự do hóa kinh tế khác nhau.
TPP, hiện nay có hiệu lực là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thể hiện "hội nhập sâu rộng" và tự do hóa ở mức độ cao. Tuy nhiên, RCEP tính đến các giai đoạn phát triển kinh tế đa dạng của những quốc gia châu Á khác nhau và nhằm đáp ứng nhu cầu cùng mối quan tâm riêng của các quốc gia, trong khi vẫn thúc đẩy đáng kể hội nhập và tự do hóa kinh tế.
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP vào năm 2016 đã dẫn đến việc Mỹ phân tách khỏi tiến trình hội nhập kinh tế châu Á. Động thái này, đại diện cho chủ nghĩa dân tộc kinh tế và chủ nghĩa biệt lập kiểu Donald Trump, nhanh chóng được theo sau bởi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một sáng kiến địa chính trị ủng hộ chủ động nhằm thiết lập một "mặt trận thống nhất" dưới hình thức liên minh hoặc bán liên minh để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong cùng thời kỳ, hội nhập kinh tế châu Á diễn ra bền vững và sẽ sớm thấy được thành quả dưới hình thức RCEP. Theo nghĩa này, RCEP thể hiện sự thất bại trong nỗ lực bao vây Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump ở Tây Thái Bình Dương.
Việc chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ TPP và thúc đẩy chủ nghĩa đơn phương "Nước Mỹ trên hết" đã làm dấy lên nghi ngờ giữa các nước châu Á về việc Mỹ sẵn sàng giao thương với khu vực trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, rất có thể chính quyền của ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ thay đổi đường lối của ông Trump và tham gia nhiều hơn vào giao thiệp với châu Á trên mặt trận kinh tế.
Theo nghĩa này, việc kết thúc thành công RCEP có thể dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với một chính phủ mới của Mỹ. Người ta không nên lấy làm ngạc nhiên nếu ông Biden sử dụng RCEP để thổi phồng "mối đe dọa Trung Quốc" nhằm xây dựng sự đồng thuận ở Mỹ để tham gia lại TPP.
Tương lai của toàn cầu hóa
Châu Á, với tinh thần khu vực cởi mở, hoan nghênh nhiều quốc gia hơn tham gia dự án hội nhập khu vực của mình. Nếu Mỹ muốn khởi động lại việc gia nhập TPP, những rào cản mà nước này phải đối mặt sẽ không phải ở châu Á, và thậm chí có thể không đến từ Trung Quốc.
Ngay cả khi bản thân ông Biden rất hy vọng trở lại làm thành viên TPP, thì vẫn có thể mất nhiều thời gian để Mỹ mở lại quá trình này. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế trong xã hội Mỹ đang sâu sắc rõ rệt, và nhiều đảng viên Dân chủ - cơ sở chính trị của ông Biden, chắc chắn không phải là những “người bạn tốt nhất” của thương mại tự do.
Ứng cử viên Hillary Clinton khi vận động tranh cử trong cuộc đua với ông Trump năm 2016, đã kịch liệt phản đối TPP. Đây sẽ là một quá trình đau đớn cho ông Biden để phát triển một câu chuyện mới.
Trong một thế giới lý tưởng, thương mại là một hiện tượng kinh tế nên tự vận hành dựa trên lợi thế so sánh của mỗi quốc gia giao thương, mà không có sự can thiệp của chính trị. Trong thế giới thực, giao dịch toàn cầu luôn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong nước và địa chính trị.
Trong vòng cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung Quốc mới này, vấn đề quan trọng tiếp theo cần theo dõi là chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Trump là những nhà lãnh đạo rất khác nhau, nhưng các chính sách thương mại của họ đều có chung một mục tiêu.
Đó là, Chính phủ Mỹ, dù do đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ kiểm soát, dự kiến sẽ thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm và đưa sức hút của mạng lưới sản xuất toàn cầu trở lại Mỹ và các đồng minh. Ít nhất, cả hai đều mong muốn đưa Trung Quốc ra khỏi vị trí trung tâm trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự khác biệt là ông Obama thực hiện thông qua nỗ lực xây dựng liên minh của TPP trong khi ông Trump dùng đến cuộc chiến thuế quan. Hơn nữa, ông Obama có thể sẵn sàng cho phép Trung Quốc tham gia, miễn là Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao trong đó. Ngược lại, ông Trump coi Trung Quốc là một chiến lược địa chính trị mạnh mẽ và tìm mọi cách kiềm chế Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, không nên ảo tưởng rằng quá trình toàn cầu hóa trước thời chính quyền Tổng thống Trump sẽ được nối lại hoàn toàn. Trong phạm vi các mạng lưới sản xuất có liên quan, điều có nhiều khả năng xảy ra hơn là sự tồn tại song song của hai chuỗi cung ứng toàn cầu ở châu Á và Bắc Mỹ, với Trung Quốc và Mỹ là những người chơi dẫn đầu tương ứng.
Tất nhiên, hầu hết các quốc gia, bao gồm đặc biệt là các nền kinh tế châu Âu, sẽ tham gia vào cả hai chuỗi cung ứng.
(theo Global Times)