Rẽ phải khi đèn đỏ: cần thiết nhưng đừng lạm dụng

Chỉ nên xem rẽ phải đèn đỏ là biện pháp xử lý tình huống tạm thời chứ đừng nhân rộng cách làm này. TPHCM vẫn phải ưu tiên cho mục tiêu phát triển giao thông công cộng, khuyến khích người đi bộ và giải quyết dứt điểm nạn chiếm dụng vỉa hè.

Khó có đường phố nào chứa nổi lượng xe cá nhân như TPHCM đến nay có gần 1 triệu ô tô, hơn 8,4 triệu xe máy, mỗi tháng có khoảng 30.000 phương tiện được đăng ký mới. Bình quân mỗi năm tổng số phương tiện tăng 7,2%/năm, trong đó ô tô tăng 8,9%/năm và xe máy tăng 7%/năm trong khi tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt từ 13-15%.

Những năm qua, nhằm xử lý tình huống cục bộ, cơ quan chức năng TPHCM cũng cắt xén vỉa hè một số nơi để cơi nới thêm bề rộng cầu đường nhưng không giảm kẹt xe được bao nhiêu như tại các nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), vòng xoay Dân Chủ (quận 10), cầu Kênh Tẻ (quận 4).

Không thể cứ mãi chạy theo vòng luẩn quẩn giải quyết ùn tắc giao thông, kẹt xe chỗ nào thì xử lý cơi nới cầu đường chỗ đó. Nếu vẫn còn cách làm này, khó triển khai đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân.

Nhiều người có sở thích đi bộ kết hợp xe buýt nhưng cảm thấy còn quá nhiều rào cản, trở ngại. Thêm nỗi lo mất an toàn giao thông với những tình huống thường gặp tại nút giao, ngã tư có vạch kẻ màu trắng dành cho người đi bộ đợi đèn tín hiệu để qua đường. Khi có đèn đỏ, các phương tiện đi thẳng đều dừng. Đèn tín hiệu cho phép đi bộ bật sáng, người đi bộ bước qua bên kia đường, bất ngờ những xe máy rẽ phải lao tới, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra từ đó.

Nhiều người điều khiển xe máy đã mặc định rằng được phép rẽ phải khi có đèn đỏ, không biết phải nhường đường cho người đi bộ. Vỉa hè bị chiếm dụng trái phép làm bãi giữ xe, buôn bán, kê bàn ghế chật kín cũng là nguyên nhân cản trở giao thông, lo ngại lớn với người bộ.

Không có giao thông công cộng nào “một bước lên xe”, đi bộ trong quãng đường phù hợp là cách tốt nhất để kết nối sử dụng xe buýt. Ở nhiều nước, người đi bộ trong bán kính hơn 1 – 2 km là bình thường. Ngay các nước trong khu vực, Singapore, Thái Lan (Bangkok) hầu hết hành khách lên xuống giao thông công cộng đều đi bộ. Hay như ở khu vực quận 1, nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc vẫn thường xuyên đi bộ, kể cả khách du lịch trên vai mang ba lô cồng kềnh nhưng cũng đi bộ trên đường phố.

Người đi bộ thường bị yếu thế, dễ tổn thương trước các xe cơ giới. Nếu mất dần thói quen đi bộ sẽ khó thu hút hành khách đi xe buýt, metro. Bởi hiếm khi nhà dân ở ngay trạm, nhà ga và muốn sử dụng giao thông công cộng phải đi bộ một quãng đường phù hợp.

Trước tình trạng giao thông hiện nay có thể cho phép rẽ phải tại một số vị trí khi có đèn đỏ giúp giải tỏa bớt lượng xe máy giờ cao điểm. Cần tính toán được lượng phương tiện lưu thông trên trục đường đó, phạm vi lân cận để tránh phát sinh điểm ùn tắc, kẹt xe mới. Có thể kẻ làn phụ có chiều rộng phù hợp và dài từ 20 - 30 m để tách dòng phương tiện từ xa, hạn chế dồn cục và có thêm ký hiệu để người chờ đèn đỏ nhận biết chọn nơi dừng, tránh cản trở dòng xe được phép rẽ phải.

Tuy nhiên, chỉ nên xem đây là biện pháp xử lý tình huống tạm thời chứ đừng nhân rộng cách làm này. Thành phố vẫn phải ưu tiên cho mục tiêu phát triển giao thông công cộng và khuyến khích người đi bộ. Song song đó là giải quyết dứt điểm nạn chiếm dụng vỉa hè và xử lý ô tô dừng đậu sai quy định, lưu thông không đúng phần đường, lấn làn xe máy.

Để khuyến khích giao thông công cộng thì phải cung cấp các điều kiện tốt cho người đi bộ. Trong quy hoạch, thiết kế xây dựng hạ tầng giao thông đều hướng đến kết nối đường dành riêng hoặc ưu tiên cho người đi bộ. Đã đến lúc tính toán hạn chế xe cá nhân đối với khu vực đã đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, xe buýt, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

TPHCM sắp tới triển khai rất nhiều dự án giao thông nên chú trọng giải pháp lâu dài, tháo gỡ các nút thắt cổ chai sao cho đồng bộ nhằm tránh rơi vào vòng luẩn quẩn chạy đua giải quyết ùn tắc, kẹt xe với khoảng cách ngày một xa hơn giữa đầu tư hạ tầng giao thông với thực tế nhu cầu phương tiện. Nhất thiết quy hoạch tổ chức lại xã hội như ăn ở, đi lại, học hành. Trong phát triển đô thị, hạ tầng giao thông đi trước, phân bố dân cư phù hợp.
--------------------------
(*) Kỹ sư cầu đường

Trần Văn Tường (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/re-phai-khi-den-do-can-thiet-nhung-dung-lam-dung/