REE lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào điện khí LNG trong 2025
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của CTCP Cơ Điện Lạnh (MCK: REE) ngày 1/4, công ty đã trình thông qua kế hoạch doanh thu 10.248 tỷ, tăng hơn 22% so với năm ngoái. Mục tiêu nếu đạt được, công ty sẽ có lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo REE bày tỏ quan điểm lạc quan về ngành điện trong bối cảnh các nút thắt pháp lý đã và được tháo gỡ và đầu tư công mạnh mẽ hỗ trợ cho mảng Cơ điện lạnh (M&E). Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dài hạn được tái khẳng định ở mức tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15%.

REE lên kế hoạch mở rộng kinh doanh nghiên cứu đầu tư vào điện khí LNG (bao gồm M&E, tổng thầu EPC và khả năng đầu tư cổ phần)
REE đặt kết quả kinh doanh năm 2025 sẽ phục hồi từ mức đáy vào năm 2024. Nhờ đó, kế hoạch cổ tức năm 2024 của công ty dự kiến cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu (thanh toán vào ngày 4/4/2025) và cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Cổ tức tạm ứng cho năm 2025 ở mức tối đa là 1.000 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2025, REE đặt mục tiêu bán điện cho cả EVN và các khách hàng lớn theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Công ty tự tin ghi nhận tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt khoảng 12% đối với điện mặt trời và điện gió, dựa trên biểu giá mới được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất: 1.383 đồng/kWh cho điện mặt trời tại khu vực miền Bắc và 1.644 đồng/kWh cho điện gió trên đất liền. Việc triển khai DPPA được đánh giá là khả thi, một số khách hàng tiềm năng chỉ yêu cầu mức giá bán cố định từ REE và sẵn sàng thanh toán phí dịch vụ.
Về tiến độ vận hành thương mại (CoD), Dự án Duyên Hải 2 (48 MW) sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2025; dự án thủy điện Trà Khúc 2 (30 MW) dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2027; dự án điện gió trên bờ 176 MW sẽ vận hành trong quý IV/2026. REE kỳ vọng nhận được giấy phép đầu tư cho dự án sản xuất điện từ chất thải với công suất là 40 MW.
Mảng cơ điện lạnh (M&E) được kỳ vọng từ giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2024 đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án Sân bay quốc tế Long Thành và tuyến Metro số 1 (TP.HCM). Dự kiến hoàn nhập dự phòng khoảng 150 tỷ đồng trong năm 2025.
Ngoài ra, công ty có kế hoạch mở rộng kinh doanh thông qua nghiên cứu đầu tư vào điện khí LNG (bao gồm M&E, tổng thầu EPC và khả năng đầu tư cổ phần), cũng như các trung tâm dữ liệu (cho thuê đất và cung cấp dịch vụ hạ tầng).
Đặt mục tiêu tăng gấp ba lần công suất điện vào năm 2030
REE đặt mục tiêu tăng gấp ba công suất điện vào năm 2030 (đã điều chỉnh theo tỷ lệ sở hữu). Đồng nghĩa với việc REE sẽ nâng công suất từ 1.016 MW vào cuối năm 2024 lên 3.000/4.000/5.000 MW vào các năm 2030/2032/2035. Đây là mục tiêu đầy tham vọng. Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng điều này sẽ được thúc đẩy bởi 100 MW trong năm 2025 và 500 MW trong giai đoạn 2026 – 2028.
Công ty dự kiến nhận chủ trương đầu tư cho 3 dự án điện gió (176 MW) trong quý II/2025 thông qua đấu thầu. Công ty cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu 500 MW điện gió và 1.500/1.000 MW điện mặt trời nổi đến năm 2030/2035 trong Quy hoạch điện VIII sửa đổi.
Về thay đổi nhân sự, ĐHCĐ lần này đã bổ nhiệm ông Ashok Ramachandran (sinh năm 1980) làm thành viên HĐQT mới, thay ông Huỳnh Thanh Hải (kiêm nguyên Tổng Giám đốc). Ông Ashok là một lãnh đạo giàu kinh nghiệm với hơn 20 năm trong lĩnh vực kỹ thuật và điều hành doanh nghiệp tại Úc, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Nam Á, hiện là Giám đốc điều hành của JSW Energy – công ty năng lượng hàng đầu của Ấn Độ và từng là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Schindler Ấn Độ & Nam Á, thuộc tập đoàn Schindler toàn cầu. Bà Mai Thanh sẽ trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn ông Ashok sẽ là Tổng Giám đốc mới theo công bố của ban lãnh đạo.
Trong năm 2025, kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động trong công ty (ESOP) được REE thực hiện thông qua phát hành 500.000 cổ phiếu (khoảng 0,1% số lượng cổ phiếu lưu hành) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian hạn chế giao dịch là 3 năm và dự kiến phát hành vào quý I/2026.