Doanh nghiệp đồ gỗ Việt trước thay đổi bất ngờ của thuế Mỹ

Doanh nghiệp đồ gỗ và nội thất kỳ vọng mức thuế có thể giảm xuống đáng kể sau đàm phán.

“Quá cao,” ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty CP Lâm Việt thốt lên khi nhận xét về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ muốn áp lên hàng Việt.

Dù chưa biết ngành gỗ, nội thất có nằm trong danh sách chịu thuế và mức thuế bao nhiêu nhưng theo ông Liêm, mức 46% sẽ buộc các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất xuất khẩu qua Mỹ phải tính toán lại từ chiến lược sản xuất đến thị trường. Với 70% sản lượng sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Lâm Việt chịu tác động rất lớn.

Dù mức thuế chính thức áp dụng cho từng ngành hàng chưa được nêu cụ thể nhưng theo tính toán của ông Liêm, nếu thuế ở mức 10%, doanh nghiệp vẫn có thể duy trì lợi nhuận, dù có sụt giảm.

Tuy nhiên, nếu thuế dao động từ 10-20%, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các chi phí sản xuất đều tăng cao. Trong trường hợp thuế vượt ngưỡng 30%, lợi nhuận gần như không còn.

"Hiện nay, những đối tác bên Mỹ đã đề nghị tạm hoãn hoặc ngừng đơn hàng để chờ, một số khách hàng khác thì đề nghị chúng tôi giảm giá. Hiện tại, chúng tôi đang liên tục cập nhật tình hình để đưa ra phương án ứng phó”, ông Liêm cho biết.

Trước đây, mức thuế ngành gỗ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 0%, chỉ một số ít sản phẩm chịu mức thuế 8%, đây là lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, với mức thuế 46% gần như xóa bỏ những lợi thế cạnh tranh trước đây của ngành gỗ, nội thất.

Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh lo ngại: “So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang chịu mức thuế đối ứng cao gấp 2, gấp 3 lần, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn".

“Mức thuế này cao hơn rất nhiều so với dự báo, gây tác động mạnh nhất đến những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử và thủy sản.”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học kinh tế TP.HCM nhận định.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hang gỗ, nội thất đạt 2,4 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, nội thất Việt Nam.

Thích nghi với bối cảnh mới

Dù khá bất ngờ trước mức thuế cao hơn dự báo trước đó nhưng theo ông Huân, 46% là mức trần được Mỹ đưa ra nhằm tạo lợi thế trong quá trình đàm phán, chứ không nhất thiết áp dụng đồng loạt cho tất cả các ngành hàng. “Sau khi đàm phán, mức thuế này có thể giảm xuống còn 20-25%”, ông Huân kỳ vọng.

Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế, nhấn mạnh rằng giữa hai bên còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm nay cũng nêu rõ, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Trước tình thế hiện tại, theo ông Hùng, doanh nghiệp gỗ cần đẩy mạnh chiến lược mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Ấn Độ, hoặc thậm chí tái định hướng một phần về thị trường nội địa.

“Chúng ta hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, mà đây lại là thị trường luôn có sự biến động mạnh về chính sách và khó đoán định.

Đã đến lúc ngành gỗ cần xây dựng phương án dự phòng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chứ không nên trông chờ vào bất kỳ thị trường duy nhất này dù đó là thế mạnh”, ông Hùng nói thêm.

Thị trường nội địa cũng rất tiềm năng nhưng theo ông Hùng, doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu về nhu cầu tiêu dùng trong nước, xu hướng mua sắm để điều chỉnh sản phẩm phù hợp.

“Dù đây là chưa phải là “miếng bánh” hấp dẫn như Mỹ nhưng vẫn có tiềm năng giúp doanh nghiệp giảm bớt sự lệ thuộc. Qua đó, tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động bất ngờ trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng gay gắt”, vị giám đốc này nhận định.

Còn HĐQT Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành mới đây đã quyết định lùi thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với lý do cần thêm thời gian để nắm thông tin chính sách thuế Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam sẽ tác động đến kế hoạch kinh doanh năm 2025 của công ty. Đồng thời, Trường Thành sẽ đưa ra phương án phù hợp để thích ứng với bối cảnh mới.

Quỳnh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nghiep-do-go-viet-truoc-thay-doi-bat-ngo-cua-thue-my-d39601.html