Rét đậm, rét hại ảnh hưởng sức khỏe người dân
Rét đậm, rét hại trên diện rộng kéo dài với nền nhiệt dao động từ 5 - 10 độ C ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh, liên quan đến đường hô hấp, nhất là đối với những người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền và các bệnh mãn tính.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay, tại Khoa nhi, Khoa nội tim mạch, Khoa lão khoa, số lượng bệnh nhân đã tăng 50% so với cách đây 1 tuần, các phòng bệnh gần như chật kín bệnh nhân. Bệnh nhân vào viện phần lớn là người già và trẻ em mắc các bệnh như: Đột quỵ, tim mạch, viêm phổi, cao huyết áp, cảm cúm, viêm họng, đau khớp, tim mạch, tay chân tê cóng…
Bác sỹ Mã Hồng Nhung, Chuyên khoa 1 nhi khoa cho biết: Thời điểm này tại Khoa Nhi luôn có khoảng 40 - 50 trẻ điều trị/ngày. Các trẻ nhỏ nhập viện chủ yếu do các bệnh về đường hô hấp, sốt cao, tiêu chảy, viêm phổi… đây chủ yếu là do thời tiết lạnh gây ra, mỗi bệnh nhân đều được khám và điều trị theo pháp đồ phù hợp.
Chị Triệu Thị Huế, tổ 8, phường Hòa Chung (Thành phố) chia sẻ: Con tôi năm nay được 4 tuổi, mấy ngày trước thời tiết bắt đầu rét đậm, mặc dù đã mặc thêm quần áo giữ ấm, không cho cháu ra ngoài trời, nhưng do thể chất của cháu yếu nên bị viêm phổi phải nhập viện, sau 5 ngày điều trị, bệnh tình dần ổn định nhưng vẫn phải điều trị thêm.
Còn tại Khoa lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày có 30 - 40 bệnh nhân điều trị bệnh tại khoa, gần như gấp đôi so với một tháng trước đây. Bệnh nhân tại khoa chủ yếu bị các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa như: Hen xuyễn, viêm phế quản, viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa... Hầu hết là bệnh nhân cao tuổi phải nhập viện do mắc các bệnh chịu ảnh hưởng bởi thời tiết giá rét.
Ông Nông Thế Bành, tổ 1, phường Ngọc Xuân (Thành phố) chia sẻ: Tôi có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, được điều trị ngoại trú, tuy nhiên, do thời tiết thay đổi nhanh khiến tình hình bệnh phức tạp hơn, trời lạnh quá, thấy người không được khỏe, thỉnh thoảng thở gấp, khó thở, ho nhiều nên tôi đã nhanh chóng đến bệnh viện để được các bác sỹ thăm khám, điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 1 do nhiệt độ giảm mạnh, số người nhập viện tăng, bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày từ 300 - 400 người. Các khoa có nhiều người nhập viện như: Nội tổng hợp, Nội tim mạch, Cấp cứu, Ngoại tổng hợp... Những bệnh này đều có liên quan đến việc thay đổi thời tiết đột ngột. Dù lượng bệnh nhân nhập viện tăng nhưng Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về thuốc men, phương tiện máy móc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết vẫn có nhiều biến động bất thường với những đợt rét đậm, rét hại, vì vậy, để bảo đảm sức khỏe, phòng tránh các bệnh vào mùa đông, các gia đình cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết; giữ ấm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh lạnh đột ngột, phòng ngủ phải bảo đảm kín, tránh gió lùa. Đối với trẻ nhỏ nên cho ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; cho trẻ tiêm phòng đủ, giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh.
Bác sỹ Nông Hoài Thanh, chuyên khoa 2 chuyên ngành nội khoa khuyến cáo: Để phòng, chống rét, đối với người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng; khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...; luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh… Mọi người cần tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Đặc biệt, đối với người cao tuổi khi có biểu hiện tăng huyết áp, ho, sốt, khó thở phải đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ret-dam-ret-hai-anh-huong-suc-khoe-nguoi-dan-3167178.html