Rét đậm, rét hại, cẩn trọng phòng bệnh về tai, mũi, họng
Từ đầu tháng 1 đến nay, khi thời tiết xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, cùng với việc thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tuyến tỉnh, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng. Trong đó, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về tai, mũi, họng. Tại Khoa Tai - mũi - họng, trung bình mỗi ngày khám cho 45 - 55 người, chỉ định nhập viện điều trị nội trú từ 28 - 35 bệnh nhân.
Bác sỹ Lê Công Hải, Phó trưởng khoa Tai - mũi - họng cho biết: Khi thời tiết thay đổi lạnh đột ngột, chênh lệch nhiệt độ trong ngày cao, lượng bệnh nhân khoa tiếp nhận tăng. Các bệnh chủ yếu là chảy máu mũi do tăng huyết áp, điếc đột ngột, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm thanh khí quản, viêm tai giữa, viêm A…
Bệnh nhân Hà Thị Loan ở phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) bị viêm xoang, thời tiết chuyển lạnh bệnh tái phát. Chị cho biết: Tôi thường xuyên bị nhức đầu, chảy nước mắt, khó chịu vùng mũi xoang phải nhập viện điều trị và mổ. Mặc dù bệnh nhân đông nhưng các bác sỹ, điều dưỡng tận tình điều trị, hướng dẫn. Sau mổ, sức khỏe của tôi dần ổn định.
Tại khoa có không ít trường hợp bệnh nhân đang bình thường đột nhiên bị ù 1 bên tai hoặc cả 2 bên, còn gọi là điếc đột ngột, tập trung ở nhóm trung, cao tuổi. Có trường hợp bị tái đi tái lại nhiều lần; có người để tình trạng kéo dài mới đến bệnh viện khám, điều trị nên khi đó, thính lực đã giảm mạnh, rất khó để cứu chữa. Do đó, theo bác sỹ, khi có dấu hiệu ù tai nên đi khám sớm để điều trị kịp thời theo phác đồ, thính lực có thể trở lại bình thường, nếu để quá lâu có thể điếc vĩnh viễn.
Theo bác sỹ CKII Hồ Quốc An, Trưởng khoa Tai - mũi - họng, khoa hiện có 6 bác sỹ (1 bác sỹ CKII, 1 thạc sỹ, 1 bác sỹ CKI, 3 bác sỹ chuyên khoa sơ bộ), 9 điều dưỡng. Khoa được quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế tốt như: Máy phẫu thuật nội soi và kính phẫu thuật hiển vi của Đức, phòng đo thính lực của Đan Mạch… Khoa thực hiện được các phẫu thuật, thủ thuật như: Phẫu thuật nội soi mũi xoang, thanh quản, tai - xương chũm, lấy đường rò bẩm sinh ở vùng đầu, mặt, cổ... Năm 2020, khoa đã khám cho 9.000 lượt người, điều trị nội trú cho trên 1.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật cho 400 bệnh nhân. Từ đầu năm nay, thực hiện thông tuyến tỉnh KCB BHYT, bệnh nhân đến khám và điều trị đông hơn, khoa luôn quán triệt tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, tận tình điều trị, hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe khi ở viện và lúc ra viện.
Để phòng bệnh về tai, mũi, họng trong mùa lạnh, bác sỹ khoa khuyến cáo nên giữ ấm cơ thể, tránh nơi gió lùa, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột; không nên tắm tối muộn, tắm quá lâu. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể đủ năng lượng, có thể thêm các gia vị gừng, quế, tỏi... Tập thể dục điều độ nhưng không nên tập quá sớm, có thể tập các bài tập trong nhà phù hợp sức khỏe, thể trạng của từng người, không nên tập quá gắng sức. Thường xuyên vệ sinh mũi, họng như rửa mũi bằng nước muối 0,9% để đường hô hấp sạch sẽ. Ngoài ra, đối với người lớn nên kiểm tra, kiểm soát huyết áp định kỳ, tránh tình trạng huyết áp tăng đột ngột. Đối với trẻ em, việc giữ ấm quan trọng nhưng cũng cần chú ý khi thời tiết chênh lệch nhiệt độ trong ngày; mặc quá ấm vào buổi trưa, chiều có nắng, nhiệt độ cao hoặc ban đêm, trẻ đổ mồ hôi ướt áo dễ bị nhiễm lạnh ngược lại. Đối với bệnh nhân điếc đột ngột cần có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Khi có dấu hiệu của các bệnh nên đến cơ sở y tế được cấp phép để khám, điều trị, tránh việc tùy tiện dùng thuốc. Khi đi khám, điều trị, tuân thủ phác đồ và các quy định của cơ sở y tế, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Dịp Tết, khoa thường tiếp nhận các ca bệnh chấn thương vùng đầu, mặt, cổ do tai nạn, say rượu ngã… Vì vậy, nên hạn chế rượu, bia, vui xuân nhưng không quên chăm lo sức khỏe.