Rét đậm, rét hại gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã có cường độ suy yếu. Vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; biển động; sóng biển cao 2 đến 3 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 1.

Nông dân xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) phủ ni-lông chống rét cho mạ. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Nông dân xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) phủ ni-lông chống rét cho mạ. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã có cường độ suy yếu. Vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; biển động; sóng biển cao 2 đến 3 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 1.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra ba đợt rét. Cụ thể, từ 14 đến 16-1 trời rét, có nơi rét đậm; hai ngày 16, 17-1 trời rét đậm, rét hại; từ ngày 18 đến 21-1, trời rét, có nơi rét đậm. Ðợt rét kéo dài 10 ngày tới được nhận định sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía bắc, trong đó có hơn 100 triệu vật nuôi.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đợt rét đậm, rét hại vừa qua tại các tỉnh miền núi phía bắc đã làm 637 trâu, 189 bò, 36 lợn, một ngựa, 52 dê; 335 con gia cầm bị chết. Các tỉnh Trung Bộ đang xác minh thiệt hại, còn theo báo cáo ban đầu của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thiệt hại 909 gia súc, trong đó có 62 trâu, 469 bò, 378 dê. Về trồng trọt 108 ha rau màu, 1.050 chậu địa lan của tỉnh Lào Cai bị thiệt hại.

Ngày 14-1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 01/CÐ-T.Ư ngày 7-1; thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh; tăng cường thông tin để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết và chủ động phòng, tránh. Các địa phương tổ chức kiểm tra công tác ứng phó rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm vùng cao, bảo đảm an toàn cho người, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín; căn cứ thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại từng thôn bản, hộ gia đình tập trung gia súc về chuồng, có biện pháp bảo đảm an toàn chống rét như: bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng… Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị thành lập các đoàn công tác để đánh giá hiện trạng, nguyên nhân; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ðiện Biên, số lượng trâu, bò chết rét trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trong hai ngày qua. Hiện toàn tỉnh có bảy trong số 10 huyện, thị xã, thành phố có gia súc chết rét, với tổng số 199 con; thiệt hại gần 2,2 tỷ đồng. Các huyện ghi nhận nhiều trâu, bò chết rét, gồm: Tủa Chùa 92 con; TP Ðiện Biên Phủ 39 con; huyện Tuần Giáo 23 con…

Những ngày qua, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện trâu, bò chết do rét đậm, rét hại. Trong đó, huyện Con Cuông chết ít nhất 35 con, huyện Quế Phong hơn 100 con, các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ khoảng 45 con. Tỉnh khuyến cáo nông dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ an toàn đàn gia súc trước diễn biến của thời tiết rét đậm, rét hại, tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng.

Ngày 14-1, UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kèm theo mưa, trên địa bàn xảy ra rét đậm, rét hại, làm 148 con gia súc bị chết. Nguyên nhân gia súc chết là do một số hộ dân chăn thả rong trong rừng và không kịp thời đưa trâu bò về chuồng chăm sóc; chuồng trại chưa được che chắn cẩn thận. Các địa phương có trâu, bò chết nhiều đều là nơi vừa bị lũ lụt nghiêm trọng nên thiếu thức ăn cho gia súc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác lấy nước đợt 1 phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 chủ yếu phục vụ cho các địa phương ven biển để thau chua rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng. Theo đánh giá, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc xả nước trong đợt 1. Mực nước tại Hà Nội đã đạt và có thời điểm đã vượt yêu cầu. Trước khi lấy nước đợt 1, từ ngày 9-1, tập đoàn đã huy động các đơn vị xả nước từ hồ chứa để bảo đảm mực nước cho các địa phương lấy nước. Dự kiến đợt 1, các nhà máy thủy điện xả 1 đến 1,2 tỷ m3.

Theo Tổng cục Thủy lợi, đến nay, diện tích có nước của khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 65.128 ha, đạt 12,5% kế hoạch. Các địa phương có tỷ lệ diện tích lấy nước cao gồm: Phú Thọ 46%; Ninh Bình 28,5%; Vĩnh Phúc 17%; Hải Phòng 11,6%; Nam Ðịnh 20,9%; Hà Nam 13,5%... Mực nước trung bình ngày tại Hà Nội đạt 1,79 m, cao nhất đạt 2,12 m.

Ngày 14-1, các trạm bơm chính trên hệ thống sông của Hà Nội đều có thể vận hành lấy nước, trừ trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Ấp Bắc (huyện Ðông Anh) mới vận hành được hệ thống bơm dã chiến. Có tổng cộng 111 trạm bơm, với 315 tổ máy được vận hành. Lưu lượng bơm mỗi giờ đạt 528.200 m3. Hiện tổng diện tích sản xuất vụ đông xuân của Hà Nội đã có nước đạt gần 3.600 ha (bằng khoảng 4,2% kế hoạch gieo cấy).

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà đã bảo đảm cấp nước tưới cho gần 47 nghìn ha của tám huyện, thành phố hai tỉnh Nam Ðịnh, Hà Nam và tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Ðể đủ nước cho diện tích nêu trên, công ty đã tiến hành lấy nước, tích trữ vào hệ thống từ ngày 16-12-2020. Từ ngày, 30-12-2020, sau khi các địa phương hoàn thành làm thủy lợi nội đồng, công ty vận hành đưa nước vào nội đồng.

Nam Bộ có nhiệt độ thấp nhất trong 43 năm

Theo Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong ngày 13-1, nền nhiệt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Nam Bộ trong khoảng 14,4 đến 21,1 độ C. Cụ thể, tại Tà Lài (Ðồng Nai) nhiệt độ đo được là 14,4 độ C; Long Khánh (Ðồng Nai) 15,9 độ C. Nhiệt độ cao nhất là 21,1 độ C ở Vũng Tàu. Các số liệu ghi nhận được cho thấy đây là nền nhiệt thấp nhất tại Nam Bộ theo số liệu từ năm 1978 đến nay. Dự báo thời tiết trong những ngày tới vẫn còn lạnh trong đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất dao động 18 đến 21 độ C ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ, có có nơi dưới 18 độ C.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ret-dam-ret-hai-gay-thiet-hai-lon-den-san-xuat-va-doi-song-631831/