Rim bánh ngày trước

Ảnh minh họa: Internet

Cứ mỗi độ xuân về tết đến, tui lại nhớ đến hương vị tết ngày trước, dẫu bây giờ, tết lớn hơn, nhiều thức quà hơn và cũng vui hơn.

Làm rim khó lắm!

Ngày đó, mùa làm rim bánh cũng trùng với mùa dặm lúa, làm cỏ. Tối tối, sau một ngày đi dặm lúa về, mấy bà cô đang là thanh nữ ở nhà tui tất bật chuẩn bị làm rim. Rim có nhiều loại: đu đủ, khoai lang, dừa, cà rốt, bí đao, gừng… Trong số đó, rim đu đủ có thể nói là khó nhất.

Đầu tiên phải lựa trái đu đủ to, dày cơm, gọt vỏ, bỏ ruột, chẻ ra từng miếng dày mỏng tùy theo loại rim định làm; phần còn lại không làm rim được thì dùng để xào, nấu canh... Sau đó, ngâm vào nước vôi trong hòa với phèn chua từ một đến hai ngày để miếng đu đủ mềm, hết mủ rồi vớt ra, bắt đầu công đoạn đầu tiên: tỉa tót, tạo hình. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng! Nó thể hiện sự khéo léo của người chế tác.

Cô tui dùng lưỡi dao bén nhọn bắt đầu xẻ miếng đu đủ ra thành từng nan, mỗi miếng chừng khoảng 20-25 nan mỏng, đều nhau rồi vót nhọn từng cái đầu nan, sau đó dùng tay xòe ra thành hình chiếc quạt. Nếu cái nào đạt gần 360 độ, nhìn cô ngồi tự cười, mình cũng cười theo...

Được 5, 7 cái gì đó, cô cho vào thau nước sạch ngâm lại (để xả nước vôi, nước phèn) rồi tiếp tục ngồi xẻ những miếng đu đủ khác. Có miếng, xẻ ra thành 2 thanh mỏng, rồi cắt thành hình ê líp, tiếp tục khoét ruột, để lại 4 phía và bên trong 2 cọng nhỏ xíu, được 2 miếng như vậy, cô ngồi lồng thử thành hình chiếc nơ chưa.

Sau công đoạn tỉa tót, giờ đến lúc rim: Đầu tiên, cân các sản phẩm đu đủ đã làm (được vớt ra, để ráo nước), sau đó, các cô tui cân đường cát trắng với lượng vừa đủ rồi bắt đầu ngào đường. Cho vào thau, cứ một lớp đu đủ, một lớp đường phủ lên trên đến khi hết, đậy kín lại.

Để như vậy từ một buổi đến một ngày, nhằm làm cho đường tan chảy, ngấm vào từng sớ đu đủ; đến khi đường tan thành nước, bắt đầu rim. Khi rim, than lúc nào cũng cháy, nhưng được ủ dưới tro, chỉ vừa đủ nóng để đường tới. Thỉnh thoảng, lật miếng rim lại. Nhiều người vì non kinh nghiệm hay vội, cho lửa lớn một chút, lập tức, thau rim thành thau kẹo, quạt, bông hồng, nơ... dính thành một cục, công tỉa tót thành công cốc!

Đến khi đường đã bám đủ vào từng miếng rim, đông cứng lại, cô tui gắp ra từng cái, bày lên trên sàng, đem phơi, và thế là hoàn thành một thau rim đu đủ! Tết đến, nhìn đĩa rim đủ màu sắc với chiếc quạt tròn xoe, bông hồng lá màu xanh, cánh màu hồng, màu đỏ... mềm mại, cô tui cười rạng rỡ.

Nhìn mấy loại rim vui mắt đó, chúng tui luôn ước gì được một cái để chia nhau nhưng phải đợi đến... hết 3 ngày tết, bánh rim hoàn thành sứ mạng “phỉnh trai”, giúp cô tui “chống lầy”, chúng tôi mới được ăn.

Có lẽ vì công đoạn rim, một công đoạn đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn, khéo léo nên ở quê mình, ngày đó, không ai gọi là miếng mứt mà chỉ gọi là rim!

Những đêm làm rim cũng là những đêm tui ngồi bên cô, ngủ gục. Cô kêu dậy đi ngủ nhưng cứ giả đò ngủ say để được cô ẵm lên giường.

Thoảng hoặc, giờ đây, trong những đêm se lạnh của những ngày giáp tết, cũng có lúc như còn được cô lay mình kêu dậy, dù đó chỉ là một giấc mộng.

THẾ DŨNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/292539/rim-banh-ngay-truoc.html