Rơ Châm Bôm: Chàng trai Jrai khiếm thị đầy nghị lực

Dưới mái nhà sàn, anh Rơ Châm Bôm (42 tuổi, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn ngày ngày miệt mài bên những thanh lồ ô. Dẫu bị khiếm thị bẩm sinh nhưng chàng trai Jrai này không chỉ khéo léo vót ra những đôi đũa đẹp mà còn chơi đàn Goong rất giỏi.

Từ lúc lọt lòng, anh Rơ Châm Bôm (SN 1982) đã kém may mắn hơn nhiều người khi đôi mắt không nhìn ngắm được ánh mặt trời. Bà Rơ Châm H’Ky (mẹ Bôm) nhắc nhớ trong nghẹn ngào: “Lúc mới sinh, 2 mắt của Bôm bị sưng lên. Vì nhà cách xa bệnh viện và gia đình không có điều kiện nên vợ chồng mình chỉ tự chữa trị cho con ở nhà. Nhưng mắt Bôm không khỏi, con không thể nhìn thấy được gì. Mình buồn lắm!”

Anh Bôm là con cả trong gia đình có 5 anh em. Năm anh lên 21 tuổi, bố qua đời vì bệnh gan. Từ đó, mẹ trở thành trụ cột chính, nuôi nấng và dạy dỗ anh em Bôm. Nhà anh thuộc diện hộ cận nghèo của xã, quanh năm chỉ chờ vào thửa ruộng nhỏ và vài chục gốc cây cà phê. Không có tiền mua phân bón nên cà phê của gia đình đạt năng suất khá thấp. Bà Rơ Châm H’Ky năm nay đã ngoài 60 nhưng vẫn ngày ngày đi đổi công với những người trong làng.

Hằng ngày, anh Bôm sẽ ngồi trước hiên nhà sàn vót đũa từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Ảnh: Lạc Hà

Hằng ngày, anh Bôm sẽ ngồi trước hiên nhà sàn vót đũa từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Ảnh: Lạc Hà

Hồi bé, Bôm hay ngồi khóc một mình vì tủi thân. Mọi sinh hoạt của anh đều nhờ mẹ hỗ trợ. Anh chỉ có thể làm những việc đơn giản như tắm rửa, giặt đồ, đánh răng... Phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì sức khỏe không tốt nên anh chưa từng bước chân đến trường học.

Đến năm 16 tuổi, chàng trai nghị lực ấy không chịu khuất phục trước số phận. Anh mày mò và vô tình tìm thấy niềm vui từ việc vót đũa. Từ đó đến nay, anh đã “bỏ túi” hơn 20 năm kinh nghiệm làm đũa. Ban đầu, những thanh lồ ô cứng, nhọn thường xuyên đâm vào tay chảy máu nhưng anh chẳng ngại đau. Khi được hỏi “Anh học cái này từ ai?”, Bôm cười rồi tự tin nói: “Mình tự học mà, mình tự làm hết đó!”.

Lúc mới thử sức, mỗi ngày, anh Bôm chỉ vót được 1 đôi đũa. Sau này, khi đôi bàn tay thành thục hơn, anh vót hẳn 10 đôi/ngày. Đều đặn mỗi ngày, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, anh lại “bầu bạn” với những thanh lồ ô. Ngồi xem anh Bôm vót đũa, chúng tôi ngỡ ngàng với thính giác nhạy bén của anh. Anh dùng đôi tai để cảm nhận thanh âm của lồ ô. Từ đó biết được lồ ô đã già hay chưa. Anh dùng đôi tay đã chi chít những vết sẹo, sần để cảm nhận độ tròn trịa và chiều dài của đũa.

Những chiếc đũa do anh Bôm làm ra rất tròn đều và chất lượng, được nhiều người yêu thích. Ảnh: Trân Trân

Những chiếc đũa do anh Bôm làm ra rất tròn đều và chất lượng, được nhiều người yêu thích. Ảnh: Trân Trân

Xã Ia Mơ Nông vốn nổi tiếng với làng du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí là du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Vậy nên từ lâu, chàng trai Jrai khiếm thị biết làm đũa đều đẹp, không mốc được nhiều người đã biết đến. Mỗi lần ghé làng Kép 1, du khách lại dắt nhau đến gặp Bôm trò chuyện và mua đũa. Một đôi đũa hoàn thành trong gần một tiếng đồng hồ, anh chỉ bán với giá 2.000 đồng.

“Nhiều người từ tỉnh Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh đến tận nhà mình để mua. Họ thích đũa này lắm. Làm từ lồ ô già mà, nên không sợ bị mốc”-anh hào hứng khoe.

Nhờ chất lượng tốt mà đũa của anh Bôm làm ra thường xuyên “cháy hàng”. Nhiều du khách ở xa còn sẵn sàng đặt mua từ 200-400 đôi đũa. Tùy theo yêu cầu của khách mà anh sẽ vót đũa với độ dài khác nhau. Kiếm được tiền, anh đưa cho mẹ để dành dụm mua gạo và thức ăn. Số ít, anh gửi em trai để giúp mình lên rừng chặt lồ ô về để dành vót đũa.

Ngoài đôi tay vót đũa khéo léo, anh Bôm còn có biệt tài chơi đàn Goong. Dù chưa từng học qua trường lớp nào, song đôi tay của anh lướt trên ống lồ ô vẫn rất điệu nghệ, như một người nghệ sĩ thực thụ của làng. Cầm trên tay cây đàn do mình tự chế tác, anh Bôm gẩy lên những giai điệu dân ca Jrai được khi vui tươi, lúc lại thật êm dịu khiến không chỉ người làng mà cả du khách 4 phương mê đắm.

Ngoài vót đũa, chàng trai Jrai khiếm thị Rơ Châm Bôm còn tìm thấy niềm vui từ việc tự tay chế tác và đánh đàn Goong. Ảnh: Trân Trân

Ngoài vót đũa, chàng trai Jrai khiếm thị Rơ Châm Bôm còn tìm thấy niềm vui từ việc tự tay chế tác và đánh đàn Goong. Ảnh: Trân Trân

Cạnh đó, bà H'Ky đang nhóm bếp nấu cơm. Đôi mắt người phụ nữ Jrai già chợt đỏ hoe, không phải vì khói bếp mà vì nhìn anh Bôm bà lại thương. “Mình cứ lo, sau này mình về với Yàng rồi thì ai thay mình chăm sóc cho con. Mình chẳng mong giàu có, chỉ cần Bôm khỏe mạnh, nó vui khi làm đũa, đánh đàn là mình hạnh phúc rồi. Mong có nhiều người biết đến và ủng hộ để con có động lực làm việc”-bà H'Ky bộc bạch.

Bà Rơ Châm H'Ky dù đã ngoài 60 nhưng vẫn luôn phải đi làm đổi công để kiếm tiền lo cho người con khiếm thị. Ảnh Lạc Hà

Bà Rơ Châm H'Ky dù đã ngoài 60 nhưng vẫn luôn phải đi làm đổi công để kiếm tiền lo cho người con khiếm thị. Ảnh Lạc Hà

Trò chuyện với anh Rơ Châm Bôm, chưa giây phút nào chúng tôi thấy nụ cười tắt trên môi anh. Tin rằng dù có ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì sự lạc quan và nụ cười ấy sẽ trở thành ánh sáng dẫn đường, làm rạng rỡ cả cuộc sống của chàng trai Jrai khiếm thị giàu nghị lực này.

Ông Rah Lan Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh): Nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến những người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống. Đối với trường hợp của anh Rơ Châm Bôm ở làng Kép 1 bị khiếm thị, hiện đang được xã hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, có tháng, xã còn hỗ trợ gạo và một số suất quà nhỏ cho gia đình anh. Chúng tôi cũng tạo điều kiện giới thiệu với du khách đến thăm, nghe Bôm chơi đàn hay mua đũa ủng hộ tùy lòng hảo tâm để giúp anh và gia đình dần thoát khỏi tự ti, mặc cảm.

Clip: Chuyện về chàng trai Jrai khiếm thị đầy nghị lực Rơ Châm Bôm. Thực hiện: Lạc Hà-Trân Trân

LẠC HÀ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ro-cham-bom-chang-trai-jrai-khiem-thi-day-nghi-luc-post290372.html