Rõ hơn cơ chế xây tuyến vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội
Nhiều cơ chế đặc thù để phát triển Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án đường vành đai 4) đã được UBND TP. Hà Nội bổ sung.
Phối cảnh một đoạn Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội
Cẩn trọng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký Tờ trình số 47/TTr-UBND gửi Chính phủ về việc thẩm định nội dung cập nhật, bổ sung Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường vành đai 4.
Đây là lần thứ tư, UBND TP. Hà Nội trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường vành đai 4, một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để có thể trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, việc chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã liên tiếp có Tờ trình số 27 (cuối tháng 2/2022) và Tờ trình số 02 (đầu tháng 1/2022) đã cho thấy sự cẩn trọng của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đối với dự án hạ tầng lớn và có sức lan tỏa đặc biệt đối với vùng Thủ đô trong 5 - 10 năm tới.
Tại Tờ trình số 47, ngoài việc tiếp tục cập nhật, bổ sung ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, UBND TP. Hà Nội đã hoàn chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Chính phủ hôm 15/3/2022.
Các nội dung được hiệu chỉnh trong Tờ trình số 47 gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn và tiến độ giải ngân; sơ bộ phương án tài chính; dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện; một số cơ chế chính sách triển khai Dự án.
Theo đó, tổng mức đầu tư, sau khi được cập nhật lại, chỉ còn 85.813 tỷ đồng, giảm 1.285 tỷ đồng so với Tờ trình số 27, giảm 9.612 tỷ đồng so với Tờ trình số 02. Mức giảm rất lớn nhờ việc tính lại các chi phí, loại bỏ các hạng mục không cần thiết sẽ vừa giúp tăng tính khả thi trong phương án tài chính, vừa giảm áp lực huy động vốn cho đơn vị được giao triển khai đầu tư.
Tại Tờ trình số 47, UBND TP. Hà Nội tiếp tục kiến nghị tách Dự án đường vành đai 4 thành 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án thành phần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (3 dự án) có tổng mức đầu tư 19.590 tỷ đồng (Hà Nội khoảng 13.370 tỷ đồng, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh khoảng 2.480 tỷ đồng); nhóm dự án thành phần thực hiện hệ thống đường đô thị, đường song hành có tổng mức đầu tư 9.634 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 - xây dựng đường cao tốc (bao gồm cả lãi vay) trị giá 56.589 tỷ đồng.
Đối với 3 dự án thành phần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, UBND TP. Hà Nội kiến nghị sử dụng vốn ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách Trung ương gánh khoảng 9.860 tỷ đồng. Nhóm dự án thành phần thực hiện hệ thống đường đô thị, đường song hành sẽ sử dụng toàn bộ ngân sách địa phương, trong đó Hà Nội bỏ ra 5.395 tỷ đồng, Hưng Yên bỏ ra 1.509 tỷ đồng và Bắc Ninh bỏ ra 2.730 tỷ đồng.
Đối với Dự án thành phần 3 - xây dựng đường cao tốc, UBND TP. Hà Nội đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ 27.179 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2030 và ngân sách địa phương; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.
Có tính hấp dẫn cao
Theo tính toán của UBND TP. Hà Nội, với mức thu phí khởi điểm là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km và có thể tăng lên đến 6.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km trong giai đoạn 2056 - 2058, Dự án thành phần 3 sẽ có giá trị hiện tại ròng (NPV) là 463 tỷ đồng; tỷ suất nội hoàn - chi phí (B/C) là 1,015; tỷ suất nội hoàn (IRR) là 10,67%; thời gian thu phí là 21 năm.
“Các chỉ số này cho thấy, Dự án có khả năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân, tổ chức tài chính tham gia đầu tư”, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá.
Để đảm bảo tiến độ Dự án đường vành đai 4 cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng một loạt cơ chế đặc thù.
Cụ thể, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, ưu tiên hoàn thành công tác này trong giai đoạn 2021 - 2025; sử dụng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để hỗ trợ Dự án thành phần 3, dự kiến triển khai theo hình thức PPP; cho phép tăng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương để tham gia Dự án.
Do công tác giải phóng mặt bằng đang là đường găng tiến độ, nên UBND TP. Hà Nội kiến nghị áp dụng khoản 1, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm việc chỉ định thầu đối với các gói thầu giải phóng mặt bằng, tái định cư, cũng như các gói thầu xây lắp sử dụng vốn đầu tư công với tỷ lệ tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu.
Do cả nước đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nguồn lực còn hạn chế, nên UBND TP. Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay khi thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất 2 bên đường (dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030), các địa phương sẽ cân đối trả nguồn vay cho Chính phủ.
Trước đó, giữa tháng 3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1703/VPCP-CN gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu 2 cơ quan căn cứ ý kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND TP. Hà Nội rà soát hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
“Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nêu trên”, Công văn số 1703 nêu rõ.
Dự án đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND TP. Hà Nội kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó đầu tư trước phần đường cao tốc quy mô 4 làn xe, rộng 17 m đối với phần đường và 17,5 m đối với phần cầu. Tuyến đường có vận tốc khai thác 80 km/h này sẽ chủ yếu đi trên cao, ngoài trừ 37,43 km có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên không cao sẽ đi thấp.
UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất đầu tư ngay hệ thống đường song hành 2 bên với quy mô 2 làn xe một bên, bề rộng nền đường 12 m.