Rò rỉ thông tin, bị lừa đảo vì mua hàng qua mạng
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng lên tiếng chia sẻ việc bị lừa khi giao dịch qua các trang thương mại điện tử. Lý do là thông tin giao dịch bị rò rỉ, khiến những kẻ lừa đảo tận dụng để moi tiền khách hàng.
Đặt hàng thật, nhận hàng dỏm
Đầu tháng 6, Lê T.H (nhân viên một công ty tại TP HCM ) có mua một nồi cơm điện trên trang Lazada với giá gần 2 triệu đồng. Ba ngày sau khi đặt hàng, đơn vị giao hàng tiết kiệm đến giao chị H đơn hàng nồi cơm điện. Vì chị H không có nhà, mẹ chị nhận thay. Hầu hết hàng hóa trên Lazada tuân thủ quy định không được kiểm tra hàng trước, chỉ được kiểm tra thông tin trên bao bì, mẹ chị H có kiểm tra thông tin và thấy chính xác như thông tin mua hàng của con gái nên đã nhận hàng.
Sau khi chị H về nhà kiểm tra, phát hiện sản phẩm nồi được giao là hàng dỏm có giá chỉ hơn 200.000 đồng. Lúc này, khi phía Lazada liên hệ để giao món hàng đã đặt, chị H mới phát hiện mình đã bị một bên khác lừa. Chị H có gọi lên tổng đài phía giao hàng tiết kiệm để được cung cấp thông tin người bán, thì nhận được số điện thoại của một đơn vị bán hàng ở tận Long Khánh, Đồng Nai có lên Lakada(!).
Chị H đã tìm nhiều cách liên hệ với đơn vị này như gọi điện, nhắn tin, nhờ đơn vị giao hàng tiết kiệm gọi nhưng đều không được bắt máy hay phản hồi. Phía Lazada thì khẳng định thông tin của họ hoàn toàn bảo mật, hàng vẫn được giao như bình thường. Đến nay, chị H vẫn hoang mang không hiểu từ đâu kẻ lừa đảo biết thông tin để lừa giao sản phẩm dỏm, lấy đi của chị số tiền gần 2 triệu đồng một cách dễ dàng.
Chị H không phải là trường hợp duy nhất “dính” quả lừa như trên. Thời gian qua, đã có rất nhiều cảnh báo từ người tiêu dùng khi mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử. Anh Tâm Lê, nhân viên một ngân hàng tại TP HCM cũng chia sẻ, anh cũng dính một quả lừa khi đặt mua hàng qua trang Shopee.
Mua một robot hút bụi với giá 2,5 triệu đồng, 2 ngày sau anh được bên giao hàng đem sản phẩm tới. Thấy thông tin chính xác như sản phẩm mình đặt, anh thanh toán tiền, đến khi mở ra thấy là một robot hút bụi cũ mèm, đã hư hỏng. Liên hệ Shopee, anh được biết món hàng của mình đang trong quá trình xuất kho, 3 ngày nữa hàng mới tới nơi.
“Lỗ hổng” bảo mật thông tin
Nhận được hàng còn là may mắn, nhiều khách hàng khóc thét khi mình đặt mua sản phẩm nhưng đến khi mở gói hàng ra thì nhận được giẻ lau, gạch, đá (!). Như trường hợp của chị Anh T. ngụ tại quận 2, TP HCM.
Buổi sáng, đang làm việc ở công ty thì chị nhận được cuộc gọi của người giao hàng để ra cổng nhận món hàng thời trang chị đã đặt qua mạng tại một trang mua hàng. Vào công ty, mở món hàng hóa ra lại là bộ quần áo cũ chưa giặt. Chị lập tức gọi lại số vừa rồi thì người giao hàng đã khóa máy.
Đặc biệt, với số tiền lớn, nhiều kẻ lừa đảo thường “canh” lúc gia chủ vắng nhà, người nhà nhận dùm, mù mờ thông tin để trao hàng giả, lừa đảo một cách trót lọt. Đã có những trường hợp bị lừa hàng chục, vài chục triệu đồng như thế.
Thực tế, trong quy trình mua bán hàng qua mạng, có một số quy định thường được áp dụng là “không được mở hàng ra kiểm tra trước”. Điều này được các trang thương mại điện tử đặt ra để đối phó với trường hợp khách hàng mở món hàng, sau đó từ chối chỉ vì “không ưng ý”.
Tuy nhiên, quy định này bảo vệ được người bán nhưng khá bất lợi cho người mua. Khi món hàng kém chất lượng, bị sai yêu cầu, người mua sẽ gặp phiền phức vì phải đổi trả. Đặc biệt, quy định này cũng tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo lợi dụng, như các trường hợp nói trên.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết các trường hợp bị lừa, khi liên hệ các đơn vị liên quan như đơn vị giao hàng, trang thương mại điện tử… đều không nhận được sự hỗ trợ gì nhiều. Bên nào cũng khẳng định mình “bảo mật thông tin”, không sai sót trong quá trình ghi nhận đơn hàng hay vận chuyển hàng hóa.
Nhưng thực tế là không ít người tiêu dùng đã bị lừa từ những món hàng mình đặt mua trên mạng. Vậy thì câu hỏi đặt ra là thông tin mua hàng rò rỉ ra từ đâu, từ trang thương mại điện tử hay đơn vị giao nhận hàng? Đáng nói là, không riêng gì Lazada hay Shopee, ở hầu hết các trang thương mại điện tử, người dùng đều gặp trường hợp lừa đảo này.
Mặc dù hệ thống mỗi trang khác nhau, và đơn vị hợp tác giao hàng của mỗi bên khác nhau. Như vậy, phải chăng tồn tại một “lỗ hổng” bảo mật thông tin cho quy trình chung mua hàng qua trang thương mại điện tử, mà cho đến nay, các trang này vẫn chưa lưu tâm, tìm ra biện pháp khắc phục, khiến người mua phải chịu thiệt mà không biết kêu ai.