Rõ trách nhiệm quản lý khi cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội, xem xét bổ sung rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều tra xem xét cụ thể đối với người dân có nhu cầu trước khi cấp phép xây dựng có thời hạn trong Luật Xây dựng.
Vừa qua cử tri thành phố Hải Phòng có kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020) theo hướng, khi cấp giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn cho người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra xem xét cụ thể đối với người dân có nhu cầu trước khi cấp phép xây dựng có thời hạn. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đền bù cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất hoặc quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ cho giá trị công trình.
Theo Bộ Xây dựng, về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước đối với việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn thì trong quy định pháp luật về xây dựng đã có quy định, cụ thể: Tại điểm b khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 một trong các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng có thời hạn là phải “Phù hợp với quy mô công trình do UBND cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Như vậy với quy định trên, UBND cấp tỉnh cần điều tra, khảo sát để quy định quy mô, thời hạn tồn tại công trình... để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Ngoài ra, tại Điều 56 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã quy định trách nhiệm, thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng.
Còn về chính sách đền bù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, tại điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 quy định “Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Chính vì thế, việc quy định hỗ trợ bồi thường về tài sản trên đất khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án khác thuộc chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tiếp thu các ý kiến của cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương.