Rõ vấn đề, rõ giải pháp, rõ trách nhiệm

Là 'tư lệnh ngành' đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho thấy Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ, rõ trách nhiệm với những bất cập, hạn chế thuộc lĩnh vực được giao quản lý và đưa ra được giải pháp khắc phục.

“Phải đánh giá tác động môi trường”

Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường rất rộng, có vai trò quan trọng trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, trong đó, nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, có tính chất phức tạp, nhạy cảm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Trong các lĩnh vực đó, ba vấn đề đang được cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm được lựa chọn để chất vấn lần này. Đó là: việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Đề cập đến một trong những nội dung đang rất thời sự hiện nay liên quan đến khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, ĐBQH Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng như dự án làm đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Tuy nhiên, việc thay thế là có điều kiện. Khi chưa đáp ứng thì triển khai đại trà là một sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường. Nhiều vấn đề đặt ra là hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo thời gian hay không? Có ý kiến còn cho rằng việc sử dụng cát biển thay cát sông còn làm mang mặn vào giữa cánh đồng trũng, nền đất yếu, nhất là trong tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay. Bộ trưởng có giải pháp gì kể cả trước mắt và lâu dài để vừa có đủ nguyên vật liệu cho cát dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bảo đảm được an ninh nguồn nước”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trước khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cùng nghiên cứu về việc sử dụng cát biển để thay thế. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng cát biển trong việc san lấp, xây dựng đường giao thông. Còn, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để lấy cát biển. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xong Đề án đánh giá trữ lượng ở khu vực Sóc Trăng với trữ lượng có thể lấy ngay được là 145 triệu m3, cách bờ khoảng gần 20km và thân mỏ có chiều sâu khoảng 7m.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ khuyến cáo “nếu lấy cát biển thì chỉ lấy khoảng 2m thôi để giảm tác động của môi trường”. Về lo ngại “nhiễm mặn” với việc sử dụng vật liệu thay thế này, với góc độ chuyên môn thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng nêu rõ, “đúng là khi sử dụng cát biển thì chúng ta phải đánh giá tác động môi trường và hiện nay, cát biển được sử dụng tốt nhất ở những khu vực đá nhuyễn đã có độ nhiễm mặn nhất định”, với nguyên tắc là “không được gây nhiễm mặn cho các khu vực xung quanh”. Còn nếu như đưa cát biển vào làm vật liệu xây dựng, thì “chắc chắn Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý về vật liệu xây dựng sẽ có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể và đưa vào được những công trình như thế nào, ở đâu…”, Bộ trưởng nói.

Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm các sai phạm

Cũng liên quan đến câu chuyện khoáng sản, nhiều đại biểu nêu câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng về vấn đề cấp phép đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ghi nhận công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm an ninh môi trường, ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu rõ, những vi phạm này đã được luật hóa trong Bộ luật Hình sự tại Điều 227 về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trái phép và Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường. Vậy, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng đã kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm này như thế nào, đặc biệt là kiến nghị xử lý đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự và giải pháp của Bộ trưởng nhằm tăng cường thanh tra xử lý vi phạm?

“Vừa qua, theo Luật Khoáng sản 2010, các nghị định và hướng dẫn của các bộ, ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý tương đối mạnh cho các địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng cho biết, Bộ cùng các bộ, ngành và địa phương đã tập trung để tăng cường kiểm tra, giám sát. Cụ thể, trong thời gian 5 năm qua, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm và đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Hiện nay, qua kiểm tra, thanh tra cho thấy, các chủ dự án về mỏ đã sai phạm về việc khai thác vượt quá công suất cho phép và khai thác ra ngoài ranh giới, khai thác nhưng không bảo đảm các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quan điểm của Bộ là “sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này và những sai phạm có tính liên tục, sai phạm nối tiếp, sai phạm sau khi xử phạt hành chính theo luật mà tiếp tục sai phạm sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra để thực hiện nghiêm việc xử lý các vi phạm này”, Bộ trưởng dứt khoát.

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra trên cả nước và nhiều địa phương, trong thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản sẽ phân công, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương. Và, trách nhiệm của Bộ là sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, bảo đảm phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, để cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương phải thực sự quan tâm, gắn với vai trò của người đứng đầu các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị cùng thanh, kiểm tra, giám sát để có thể phát hiện và xử lý sớm những vi phạm trong khai thác khoáng sản, bảo đảm không thất thoát nguồn tài nguyên và không để khai thác trái phép nguồn tài nguyên vốn là tài sản của quốc gia.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể là quản lý hoạt động của ngành khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, như thừa nhận của Bộ trưởng, thì “vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước”.

Các tồn tại, hạn chế đó đã được các đại biểu thẳng thắn nêu ra chất vấn Bộ trưởng: Liên quan đến an ninh nguồn nước, thì vấn đề phân công, phân cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý tài nguyên nước như thế nào, bởi đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm những chính sách về an ninh nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 được triển khai đồng bộ và hiệu quả?

Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh: Hồ Long

Hay, cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề xả thải, nước xả thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn đã và đang tác động gây ô nhiễm, gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến các nguồn nước, các tầng chứa nước. Vậy giải pháp của Bộ là gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tình trạng suy giảm ô nhiễm nguồn nước?

Giải pháp và kế hoạch của Bộ để “hồi sinh” các “dòng sông chết” do ô nhiễm trầm trọng, không thể sử dụng nước sông vào bất cứ mục đích gì, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải? Rác thải nhựa đang tràn lan khắp “hang cùng, ngõ hẻm” từ rừng đến biển. Bộ trưởng cho biết đã đến lúc có thể quy định cấm, hạn chế hoặc đánh thuế phí cao với việc sử dụng rác thải nhựa, đặc biệt là trong sinh hoạt, tiêu dùng đối với túi nilon hay chưa?...

Những chất vấn của đại biểu đều rất nóng, đúng và trúng với mối quan tâm, thậm chí là lo lắng của cử tri và Nhân dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, ngay trong lần đầu tiên trả lời chất vấn chính trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Bộ trưởng đã điềm tĩnh, lần lượt trả lời khá thấu đáo, ngắn gọn, đúng trọng tâm, rõ trách nhiệm 39 ý kiến chất vấn và 10 ý kiến tranh luận của các đại biểu. Với những vấn đề thuộc trách nhiệm của nhiều ngành, Bộ trưởng thẳng thắn đề nghị có sự “trợ giúp” từ các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan theo đúng phạm vi chức năng, nhiệm vụ với ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Dẫu vậy, kết thúc phiên chất vấn với nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, vẫn còn tới 58 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng.

Có lẽ không quá khó để lý giải điều này, bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ quản lý đa ngành, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về 9 lĩnh vực, gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, viễn thám.

Cử tri và Nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội chờ đợi những chuyển động thực tế sau phần trả lời chất vấn của “tư lệnh ngành” tài nguyên và môi trường.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ro-van-de-ro-giai-phap-ro-trach-nhiem-i374509/