Robot AI – Những cỗ máy giết người trong tương lai
Hôm thứ hai 29/4/2024, các quan chức dân sự, quân sự và công nghệ từ hơn 100 quốc gia đã gặp nhau tại Vienna, Áo, để thảo luận về việc kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành công nghiệp quốc phòng bởi ngày càng xuất hiện nhiều loại vũ khí sử dụng AI trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, giữa Israel với Hamas, Houthi, Hezbollah cùng các vụ khủng bố…
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, chẳng bao lâu nữa việc chống lại kẻ thù có thể sẽ hoàn toàn do robot thực hiện, dẫn đến những hậu quả không thể kiểm soát…
1. Đó là một buổi sáng mùa thu 2025, Trung tá Richardson, chỉ huy trưởng đơn vị “Mắt Chim ưng” trực thuộc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cùng các cộng sự ngồi trước 6 màn hình máy tính tại môt căn cứ bí mật ở miền Bắc Iraq. Sau khi nhập các thông số do vệ tinh trinh sát gửi về, Trung tá Richardson ra lệnh: “Go!”.
Mất chưa đầy 1 phút, 1 máy bay không người lái (drone) với 5kg chất nổ C4 rời khỏi sân bay. Nếu như trước đây, trong các phi vụ như thế này, phi công luôn phải theo dõi màn hình để điều chỉnh đường bay của drone cho đến khi nó hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa là đã đánh trúng mục tiêu, thì bây giờ họ kéo nhau xuống canteen… uống cà phê! Trung tá Richardson giải thích: “Do đã được cung cấp tất cả những thông tin cần thiết, AI trên chiếc drone sẽ làm thay chúng tôi…”.
Đoạn video quay được từ máy bay trinh sát MQ-9 cho thấy chiếc dorne sau khi vượt qua quãng đường 450km và sau khi vào không phận Syria, nó đã đâm bổ xuống một căn nhà 2 tầng ở ngoại ô Al Bukamal, chui qua cửa sổ rồi nổ tung. Tin tình báo cho biết 9 người trong nhà, kể cả 1 chỉ huy cao cấp của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS-K thiệt mạng.
Tất cả những tình huống nêu trên chỉ là giả định nhưng nó cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quyết định trong các cuộc giao tranh mà cụ thể là loại tên lửa vác vai “bắn rồi quên”, hiện đang được quân đội Ukraine sử dụng. Ông Jaan Tallinn, sáng lập nền tảng AI Deep Mind Technologies (Công nghệ trí tuệ sâu) thuộc tập đoàn Alphabet Inc, giải thích: “Người bắn tên lửa chỉ cần hướng máy ngắm trên ống phóng vào chiếc xe tăng hoặc máy bay trực thăng rồi bấm phím. Trí tuệ nhân tạo ở bộ xử lý sẽ nạp hình ảnh, độ cao, chiều dài, chiều rộng, khoảng cách vật thể vào bộ cảm biến của tên lửa. Tất cả diễn ra chỉ trong 1 giây. Sau đó, anh ta bóp cò và cho dù trước khi bắn, ống phóng có quay về hướng nào chăng nữa, AI cũng sẽ dẫn đường cho tên lửa lao vào mục tiêu”.
Vẫn theo ông Jaan Tallinn, một chương trình trí thuệ nhân tạo mang tên Lavender hiện đang được Cơ quan Tình báo Israel Mossad sử dụng để tìm ra những nhân vật cần phải ám sát. Nó đã chứng minh sự thành công qua việc Chuẩn tướng Iran Mohammad Reza Zahedi thiệt mạng trong cuộc không kích ở Syria hôm 1/4, hay như một chỉ huy khác của Lực lượng Quds là tướng Razi Mousavi, bị giết ở Damascus hồi tháng 12 năm ngoái cũng bởi tên lửa của Israel, được cho là điều khiển bằng AI nhận dạng khuôn mặt. Động thái này đã khiến ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc “vô cùng lo lắng” trước các báo cáo về việc Israel sử dụng AI trong các chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Ông Antonio Guterres nói: “Không nên giao một phần quyết định sinh tử cho những con số lạnh lùng của các thuật toán”.
Dẫu vậy, chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn thực hiện các bước hợp tác với các công ty AI trong lĩnh vực quốc phòng. Ở Mỹ, Lầu Năm Góc đã dành 1 tỷ USD cho chương trình Replicator nhằm mục đích xây dựng đội xe vũ trang tự hành. Ngoài ra còn có tàu ngầm, xe tăng và chiến hạm đã được tích hợp AI để tự điều khiển, tự bắn mà không cần chỉ huy, chưa kể máy bay không người lái sử dụng tính năng nhận dạng hình ảnh AI để xác định mục tiêu rồi tấn công không trượt phát nào!
Gần đây nhất, hôm thứ năm 2/5/2024, Chỉ huy trưởng Không quân Mỹ là ông Frank Kendall đã ngồi trên ghế lái phía trước của chiếc máy bay X-62A VISTA - là phiên bản cải tiến của chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ Không quân Edwards, bang California. Sau đó nó cất cánh nhưng ông Frank Kendall không hề phải động tay động chân vào bất cứ một phi cụ nào vì nó bay bằng AI! Trong suốt 1 tiếng với những bài bay phức tạp mô phỏng một trận không chiến với một chiếc F-16 khác, nó hạ cánh nhẹ nhàng đến nỗi ông Frank Kendall phải nói đùa: “Ngồi lâu mỏi quá”. Theo Không quân Mỹ, năm 2028, 1.000 chiếc máy bay loại này sẽ được đưa vào hoạt động.
Với khối NATO, Liên minh châu Âu đã trả tiền cho Công ty Thales SA để tạo lập cơ sở dữ liệu hình ảnh giúp đánh giá các mục tiêu trên thực địa trong trường hợp xung đột Nga-Ukraine lan sang các quốc gia này. Kết quả thử nghiệm do Thales SA công bố cho thấy một mô hình AI đã đánh bại một phi công lái máy bay chiến đấu F-16 giàu kinh nghiệm trong một loạt các trận không chiến mô phỏng nhờ vào “những thao tác nhanh và chính xác mà phi công con người không thể làm được”. Trước đó, năm 2022, các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cũng đã công bố video về một máy bay không người lái được hỗ trợ bởi AI, đã đánh lừa một máy bay do con người điều khiển từ xa trên mặt đất. Máy bay AI bám đuôi đối thủ rồi đặt nó vào vị trí có thể tiêu diệt hoàn toàn.
Và không chỉ các quốc gia có nền khoa học tiên tiến quan tâm đến việc phát triển AI trong lĩnh vực quân sự mà ngay cả những tổ chức khủng bố ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin cũng đang cố gắng tìm hiểu để áp dụng AI vào mục đích của mình. Năm 2023, CIA đã công bố 1 video quay cảnh 2 kỹ sư Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phóng thử 1 máy bay không người lái trên con đường đất gồ ghề ở phía Bắc Syria. Các phân tích kỹ thuật cho thấy chiếc drone nói trên có thể bay một quãng đường dài 800km với tốc độ 150km/giờ và có thể mang theo 6kg bom. Và mặc dù được tích hợp AI ở dạng đơn giản, chiếc drone nói trên vẫn có thể đánh trúng mục tiêu là một tòa nhà! Gần đây nhất, một căn cứ Mỹ ở Ain al-Asad, Iraq bị tên lửa của phiến quân Houthi bắn trúng, gây thương vong cho nhiều binh sĩ. Phân tích những mảnh vỡ của tên lửa, CIA tin rằng nó được dẫn đường bởi AI.
2. Sự xuất hiện của AI trên chiến trường đã làm dấy lên những cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý và các nhà đạo đức học. Một số người cho rằng vũ khí được hỗ trợ bởi AI chính xác hơn vũ khí do con người điều khiển, có khả năng làm giảm thiệt hại cả về vật chất lẫn nhân mạng nhưng nhiều người khác lại quả quyết vũ khí AI có thể mắc phải những sai lầm thảm khốc.
Tiến sĩ Anthony Aguirre, nhà vật lý học, người đã phát minh ra thuật toán nhận diện khuôn mặt cho biết: “Tương lai của robot giết mổ là ở đây! Giả sử 1 tiếng đồng hồ trước đó, tin tức tình báo xác định căn nhà ở vị trí A là nơi ẩn náu của một ông trùm khủng bố và nếu việc tấn công được giao cho 1 đơn vị biệt kích thì họ dễ dàng xác định thời điểm họ xông vào nhà, gã trùm khủng bố còn ở đó hay không? Nhưng nếu giao cho tên lửa AI, nó sẽ chẳng phân biệt điều này mà đơn giản là nó cứ thế lao xuống rồi “bum” một cái là xong. Bao nhiêu người vô tội trong nhà sẽ chết?”.
Vì thế, sau khi xung đột Ukraine - Nga; Israel - Hamas, Houthi, Hezbollah nổ ra, các nhà nghiên cứu đã vận động để kiểm soát mối đe dọa mới này. Gần đây, Liên hợp quốc đã thực hiện một bước quan trọng: Một nghị quyết được thông qua vào tháng 12 năm ngoái đã bổ sung chủ đề Luật AI vào chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng sẽ diễn ra vào tháng 9 này. Trước đó, hồi tháng 7/2023, Tổng thư ký António Guterres tuyên bố rằng ông muốn có lệnh “cấm vũ khí hoạt động mà không có sự giám sát của con người vào năm 2026”. Bà Bonnie Docherty, luật sư giảng viên tại Trường Luật Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, nói: “Việc giới hạn AI trong lĩnh vực quân sự tiến triển chậm nhưng đó vẫn là tín hiệu đáng mừng”.
Tuy nhiên, “nói thì dễ hơn làm” bởi các nhà lãnh đạo quân sự đã nhìn thấy một tương lai không giới hạn qua việc áp dụng AI vào vũ khí còn các công ty chế tạo thiết bị chiến tranh thì đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền. Stuart Russell, nhà khoa học máy tính tại Đại học Berkeley, bang California, Mỹ, và là nhà vận động nổi tiếng chống lại vũ khí AI cho biết: “Lấy thí dụ như Warfare chẳng hạn, nó là một thuật toán tương đối đơn giản dành cho AI. Nó có khả năng tìm thấy một ai đó và giết họ dễ dàng hơn nhiều so với việc lập trình đường đi cho một chiếc ôtô tự lái.
Giờ đây, bất cứ sinh viên nào có máy in 3D và kiến thức lập trình cơ bản đều có thể chế tạo máy bay không người lái. Hệ thống vũ khí AI đã thay đổi mãi mãi khái niệm về sự ổn định toàn cầu”. Chưa hết, ông Stuart Russell còn lo ngại rằng “trong một tương lai gần, drone AI giá rẻ có thể được sử dụng bởi bất kỳ phe phái nào trong việc tiêu diệt đối phương bằng cách sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt, và người bị giết có lẽ cũng chẳng biết cái gì đã làm mình chết”.
3. Cho đến nay, thật khó để biết tường tận rằng vũ khí AI hoạt động hiệu quả như thế nào trên chiến trường mà nguyên nhân là do giới quân sự giấu kín những dữ liệu thu được sau những cuộc thử nghiệm cũng như thực chiến, ngoại trừ hình ảnh mục tiêu bị phá hủy. Khi được hỏi về hệ thống vũ khí AI tại một cuộc điều tra của Quốc hội Anh hồi tháng 9 năm ngoái, tướng Tom Copinger-Symes, Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Vương quốc Anh không đưa ra thông tin cụ thể mà chỉ nói rằng quân đội nước này “đang thực hiện các nghiên cứu chuẩn để so sánh ưu, khuyết điểm giữa hệ thống vũ khí điều khiển bằng AI và vũ khí điều khiển bởi con người”. Ông nói: “Chắc chắn quý vị muốn kiểm tra xem điều này có mang lại hiệu quả xứng đáng với số tiền mà ngân sách đã bỏ ra hay không thì câu trả lời của tôi là “hơn cả sự mong đợi”.
Theo các chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới, cho đến nay đã có ít nhất 200 loại chiến cụ được vận hành bằng AI, từ những chiếc máy bay không người lái chỉ nặng 1,2kg cho đến xe rà phá bom mìn, xe trinh sát, xuồng cao tốc tấn công tự sát và ngay cả những con chó robot chuyên làm nhiệm vụ tải đạn, tiếp tế lương thực, vận chuyển thương binh tại những vùng chiến sự khốc liệt. Ông Jaan Tallinn, người sáng lập nền tảng AI Deep Mind Technologies nói: “AI có kỹ năng xử lý và ra quyết định vượt trội, mang lại lợi thế rất đáng kể. Thí dụ như trong các thử nghiệm về nhận dạng hình ảnh, AI có thể tìm thấy 2 ảnh trùng lặp trong số 1.000 bức ảnh được đưa ra mà chỉ mất 0,6 giây. Như vậy trên chiến trường, 1 quả tên lửa AI hoàn toàn có thể bắn trúng 1 xe tăng thật, ẩn náu trong 100 xe tăng mô hình…”.
Theo một phân tích do Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Nam Đan Mạch ở Odense công bố thì trong tương lai gần, vũ khí tự động do AI hướng dẫn sẽ làm thay binh lính, loại bỏ nguy cơ người điều khiển từ xa có thể bị kẻ thù phát hiện và tiêu diệt. Zak Kallenborn, nhà phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington DC, Mỹ, nói tiếp: “AI có thể đưa ra những quyết định phức tạp trong một khoảng thời gian cực ngắn, điều mà các bộ óc quân sự siêu việt nhất hiện nay cũng làm được nhưng phải mất vài giờ, thậm chí vài ngày…”.