Robot đa năng - y tá đắc lực giúp giảm tải bệnh viện

Trong những ngày qua, các cơ quan chính phủ, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cùng đẩy mạnh các hoạt đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên cả nước. Ngành y tế được xem là một trong những ngành tiên phong, gánh vác trách nhiệm nặng nề cùng sứ mệnh cao cả trong việc đẩy lùi những tác động tiêu cực của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Những giải pháp ứng dụng công nghệ cao đã được đưa vào thực tế, trong đó có robot hỗ trợ khám chữa bệnh, nhằm giúp đội ngũ y bác sĩ giảm thiểu nguy cơ về lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân mùa dịch bệnh này.

TBKTSG Online đã ghi nhận hoạt động của các robot trong vai trò tương tự như một y tá tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức và có cuộc trao đổi cùng nhóm sinh viên tạo ra các sản phẩm này qua đoạn video bên dưới.

Nhân viên tiếp tân là một chú robot đã trở thành hình ảnh gây chú ý với mọi người khi đến Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức trong những ngày qua. Với câu hỏi quen thuộc: “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”, robot tiếp tân này thường nhận được câu trả lời: “Tôi muốn lấy số/bốc số khám bệnh”, và đáp lại ngay lập tức: “Mời bạn quét mã bảo hiểm y tế, bốc số và nhận số tự động tại quầy”. Sau khi “đọc” xong thẻ bảo hiểm, robot tiếp tân sẽ cấp ngay số khám bệnh cho người sử dụng.

Đây là robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa do nhóm sinh viên Lương Hữu Thành Nam và Nguyễn Đào Xuân Hải (trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nghiên cứu chế tạo, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng Khoa Cơ khí Chế tạo máy. Đề tài vừa đạt giải nhất Giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Một trong hai nhà sáng lập, Lương Hữu Thành Nam cho biết robot được cho ra đời với chức năng chính là hỗ trợ khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân không mất thời gian xếp hàng chờ đợi lâu. “Nhân viên” này có thể làm nhiệm vụ tiếp tân, lấy số, tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân đi tới những khoa chuyên biệt.

Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo, để có thể hoàn thiện sản phẩm, Thành Nam và Xuân Hải đã xin phép BS.CK II. Nguyễn Trường Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, triển khai thử nghiệm tất cả các tính năng của robot tại đây. Sau một thời gian hoạt động thực tế, nhóm sẽ mang sản phẩm về để hoàn thiện, sau đó mới kêu gọi tài trợ để thương mại hóa.

Robot có khả năng chẩn đoán những bệnh cơ bản, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng dụng cụ y tế để lấy thông số bệnh lý, như: đo nhiệt độ, huyết áp của bệnh nhân để chuyển thông tin cho bác sĩ. Thậm chí, robot này còn có thể đưa ra những bài tập hướng dẫn vật lý trị liệu phù hợp với từng bệnh nhân.

Nguyễn Đào Xuân Hải cho biết thêm, trong việc giao tiếp với bệnh nhân, robot có khả năng phiên dịch, nó có thể dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại. Việc này giúp cho bệnh nhân ở Việt Nam không cần ra nước ngoài mà vẫn được các bác sĩ ở đây điều trị thông qua hệ thống hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Hải chia sẻ: “Các bác sĩ Việt Nam có thể thông qua robot để trao đổi với các bác sĩ nước ngoài, gửi thông tin, bệnh án qua bên đó, giúp người bệnh không phải tốn nhiều chi phí đi lại”.

“Khi tiến hành thực hiện con robot này nhóm của mình hy vọng sẽ giúp cho việc khám chữa bệnh của bác sĩ sẽ đơn giản hơn”, Hải chia sẻ và cho biết nhóm cảm thấy hạnh phúc khi robot phát huy được tính tiện ích trong việc san sẻ sự vất vả và nguy hiểm của đội ngũ y bác sĩ khi giao tiếp với khối lượng lớn bệnh nhân trong thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, robot còn được sử dụng như một hệ thống hội nghị từ xa (tele-conference), thiết bị có thể đặt ở những bệnh xá vùng sâu vùng xa để truyền thông tin về những bệnh viện lớn để tham vấn, lấy ý kiến tư vấn,… Qua đó có thể hướng dẫn người dân điều trị những căn bệnh đơn giản hoặc hỗ trợ bác sĩ địa phương điều trị những ca khó.

Những tính năng giúp cỗ máy này “thân thiện” hơn với con người đó là nó có thể mang thuốc cũng như đến nói chuyện với bệnh nhân, lấy thông tin và gửi về cho bác sĩ thông qua giao tiếp không dây.

Robot có nhiều trạng thái hoạt động, chia ra nhiều thời điểm, ví dụ vào lúc sáng thì mang thuốc đến cho bệnh nhân, xong giai đoạn đó robot lại chuyển sang trạng thái khác, như làm nhiệm vụ tiếp tân. Khi có sự điều khiển của bác sĩ, nó sẽ thoát chế độ tự động và chuyển sang chế độ điều khiển trực tiếp, phục vụ yêu cầu của bác sĩ như đến thăm hỏi một bệnh nhân cụ thể nào đó. Ngoài ra, phần mềm tương tác với bệnh nhân rất đơn giản và có khả năng hướng dẫn bệnh nhân một cách chi tiết, dễ hiểu.

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/lf/300618/robot-da-nang--y-ta-dac-luc-giup-giam-tai-benh-vien.html