Robot ngầm chống biệt kích phá hoại Tartus
Khi chính thức đi vào trang bị, những robot chuyên đối phó với biệt kích ngầm sẽ được Nga điều đến bảo bệ căn cứ Tartus tại Syria.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, hiện nay cơ quan này đang thử nghiệm loại robot làm nhiệm vụ săn lùng biệt kích trên biển. Những cỗ máy này được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ giám sát hiệu quả tình hình dưới nước và phát hiện kẻ thù định tiếp cận các công trình cần bảo vệ.
Những robot như vậy cũng được sử dụng để kiểm tra tàu thuyền và các công trình ngầm, cũng như để dò mìn. Hiện nay những nguyên mẫu đầu tiên của robot này đã được chuyển cho những đơn vị và phân đội chống biệt kích để thử nghiệm và kiểm tra khả năng hoạt động trong môi trường thực tế.
Dựa trên kết quả thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Nga sẽ quyết định việc đưa loại phương tiện tự hành này vào hoạt động. Theo thông tin được tiết lộ, robot dưới nước có thể hoạt động theo lệnh của người điều khiển hoặc với chế độ hoàn toàn tự động trong một khu vực được xác định từ trước.
Hiện tại, các đơn vị chống biệt kích nằm trong biên chế của cả bốn hạm đội của Nga, cũng như đội tàu quân sự ờ biển Caspian. Ở Syria, 'người nhái' - tên gọi khác của các robot chiến đấu tự hành chịu trách nhiệm bảo vệ trung tâm hậu cần kỹ thuật ở Tartus.
Như vậy, robot săn biệt kích là bổ sung mới nhất cho đội quân đặc biệt của Nga chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ và chống hoạt động phá hoại nhằm vào Tartus.
Theo Southfront, những chú hải cẩu và cá heo của Hạm đội Biển Đen Nga đã được điều đến Syria nhận nhiệm vụ bảo vệ Tartus trước những mối đe dọa. Hiện không rõ số lượng những chiến binh đặc biệt này đang làm việc tại Syria nhưng lực lượng Nga khẳng định đủ để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo nguồn tin này, hiện nay Hạm đội Biển Đen của Nga có khoảng 15 hải cẩu và trên 10 chú cá heo. Lực lượng này được sử dụng để bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược, các chiến hạm.
Chuyên gia Gennady Matishov tại Học viện Khoa học Nga cho biết, những chú hải cẩu này có khả năng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ cả trên bờ và dưới biển đặc biệt là tại những khu vực tiềm năng con người bị hạn chế như khu vực dưới biển xung quanh tàu ngầm.
Hải cẩu còn có khả năng phát hiện các vật thể, đưa công cụ xuống đáy biển hoặc tiêu diệt kẻ thù khi cần thiết. Ngoài ra, điều kiện khí hậu khắc nghiệt không làm ảnh hưởng đến hải cẩu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Số cá heo và hải cẩu của Hạm đội Biển Đen Nga vốn thuộc quân số của một trung tâm huấn luyện của Ukraine tại Sevastopol. Nhưng sau khi Nga sáp nhận bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang hồi cuối năm 2014, trung tâm này cùng với những chiến binh đặc biệt này cũng thuộc về Nga.
Việc huấn luyện động vật biển chiến đấu từng được tiến hành ráo riết ở Crimea thời Liên Xô, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, công việc này đã đình chỉ và chỉ nối lại vào năm 2012. Hiện nay, bể nuôi cá đang phát triển các dụng cụ mới cho phép huấn luyện động vật hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi Crimea còn thuộc Ukraine, người ta đã tiến hành phát triển một dụng cụ cho phép chuyển đổi việc phát hiện mục tiêu ngầm dưới nước bằng sonar gắn trên cá heo thành tín hiệu trên màn hình người điều khiển. Việc nghiên cứu này vẫn còn dang dở vì Bộ Quốc phòng Ukraine cấp không đủ kinh phí thực hiện.