'Rối' cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp, Sở Công thương TP.HCM lên tiếng
Việc cấp giấy đi đường đang có nhiều bất cập khiến các hiệp hội ngành hàng gặp không ít khó khăn trong thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu...
Không biết đăng ký giấy đi đường ở đâu, ai phụ trách
Đồng loạt các hiệp hội ngành hàng gồm thủy sản, gỗ, cao su, hồ tiêu, rau quả, cà phê ca cao, nhựa... vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP.HCM... kiến nghị về việc cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp (DN), hội viên trong thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM.
Theo đó, các Hiệp hội cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào nhận được phản hồi từ Sở Công thương TP.HCM.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, giấy đi đường hiện "rối như hẹ". Ảnh minh họa: Trần Lê LâmTTXVN.
Điều đáng nói, chỉ trong mấy ngày, UBND TP.HCM và Sở Công thương liên tiếp ra công văn điều chỉnh khiến họ không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách. Trong khi, các số đường dây nóng phụ trách giải đáp đều không liên lạc được.
Các Hiệp hội cho rằng, theo quy định của UBND TP.HCM, các nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu được Sở Công thương cấp giấy đi đường trên cơ sở hồ sơ đăng ký.
Còn Sở Công thương lại giải thích họ chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các DN chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (DN cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp) và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy đi đường cho DN sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.
Mặt khác, công văn ngày 23/8 của UBND TP.HCM về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội lại nêu: Công an TP là đơn vị in và ký cấp giấy cho toàn bộ các nhóm đối tượng...
“Thiết nghĩ các DN sản xuất, xuất khẩu chiếu theo Công văn 2800/UBND-VX thì được xếp vào mục 3D nhưng đến hiện tại các DN không biết phải đăng ký giấy đi đường ở đâu vì không xác định thuộc diện đối tượng nào và ai phụ trách”, các Hiệp hội cho biết.
Ngoài ra, việc cấp giấy đi đường lại không quy định và hướng dẫn đi liên tỉnh, trong khi các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Long An lại tập trung nhiều nhà máy của DN sản xuất, xuất khẩu như gạo, gỗ, thủy sản, cao su, rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu ...
Phản ánh tới Báo Giao thông, nhiều DN xuất nhập khẩu cho biết, họ đều phải thực hiện hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan. Hơn nữa, không nhiều DN sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Do đó, việc thay đổi liên tục quy trình đăng ký cấp giấy đi đường đã khiến DN "rối như tơ vò" không biết hỏi ai, trong khi, đối diện với thiệt hại nặng nề, nguy cơ phải đền bù đơn hàng xuất khẩu...
Chưa được cấp phải thực hiện đăng ký lại theo quy trình mới
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: "Vì quá tải nên mong DN thực hiện theo hướng dẫn. Sở Công thương huy động hết nhân lực giải quyết ngày đêm cho DN".
Theo ông Vũ, DN phải thể hiện được sự cần thiết mới cấp chứ không phải cấp theo tỷ lệ. "DN nào thực sự phát sinh thủ tục trong giai đoạn này hẵng làm, còn không chiu khó làm việc online, trực tuyến hoặc 3 tại chỗ giúp", ông Vũ bày tỏ.
Vị giám đốc sở cũng cho biết, hiện nay Sở chỉ giải quyết giấy đi đường để nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu (nhân viên thuộc doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa) di chuyển từ trụ sở doanh nghiệp đến cảng (hàng không, hàng hải) và trở về.
Trường hợp cần đi lấy C/O, chứng thư kiểm định,… phải ghi cụ thể lộ trình. Những trường hợp không ghi rõ địa chỉ, ví dụ: "từ công ty...", "đến các cơ quan kiểm định..."… sẽ không được giải quyết.
"Sở cũng chỉ giải quyết tối đa 2 giấy đi đường cho một DN. Trường hợp đặc thù (do quy mô lớn, chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa,…) thì DN có giải trình cụ thể đối với từng nhân viên.
Tuy nhiên, nếu DN đã được cấp giấy đi đường từ ngày 23-24/8/2021 thì không cần thực hiện thủ tục cấp lại. Doanh nghiệp cầm bản chính giấy đi đường đã được cấp đến Sở Công thương để đổi mẫu mới của Công an Thành phố.
Còn DN chưa được cấp phải thực hiện đăng ký lại và được giải quyết đồng bộ theo quy trình mới", ông Vũ cho biết.