Rời ghế Tổng Giám đốc, ông Phạm Thái Bình nhậm chức Chủ tịch gạo Trung An
Sau khi rời vị trí Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) để 'cơ cấu lại nhân sự công ty', ông Phạm Thái Bình đã được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT, vị trí vợ ông đã xin từ nhiệm trước đó.
Trong thông báo về việc miễn nhiệm và bầu bổ sung một số vị trí lãnh đạo cấp cao, phía Trung An cho biết kể từ ngày 17/8, bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1956) sẽ không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT TAR. Tuy nhiên, bà Tuyết vẫn còn là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Thay vào đó, ông Phạm Thái Bình (sinh năm 1956) sẽ rời ghế Tổng Giám đốc để ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT, đồng thời được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.
Nhân sự đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay ông Bình là bà Nguyễn Lê Bảo Trang (sinh năm 1978). Từ tháng 5/2018 đến nay, bà Trang giữ chức Thành viên HĐQT và hiện không nắm giữ cổ phần nào tại TAR.
Trước đó, bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch HĐQT TAR và ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc đều gửi đơn xin từ nhiệm trong ngày 14/8 với cùng lý do “cơ cấu lại nhân sự Công ty". Đáng nói, hai vị này vừa được bầu lại vào HĐQT TAR nhiệm kỳ mới (2023-2028) tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào tháng 6 vừa qua.
Hiện, ông Bình nắm giữ 11 triệu cổ phiếu TAR, tương ứng tỷ lệ 14% vốn điều lệ; trong khi đó, bà Tuyết không sở hữu cổ phần nào tại TAR.
Hai con gái của họ là bà Phạm Lê Khánh Hân vàbà Phạm Lê Khánh Huyền đều đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại TAR, đồng thời không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu TAR nào.
Những biến đổi về nhân sự được công bố trong bối cảnh TAR vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với số lỗ hiếm hoi trong lịch sử. Theo đó, dù ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.615 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, giá vốn tăng mạnh cùng chi phí hoạt động, lãi vay tăng khiến công ty lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần TAR đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lãi sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, giảm mạnh từ mức 51 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả trên chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện được hơn 1% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra trước đó.
Nhìn lại bức tranh tài chính 5 năm gần đây của Gạo Trung An, doanh thu của công ty có sự cải thiện qua từng năm trong giai đoạn từ 2019-2022, tăng từ 1.837 tỷ đồng vào năm 2019 lên 3.798 tỷ đồng vào năm 2022.
Tuy nhiên, lợi nhuận của đơn vị này lại có sự tăng giảm thất thường. Sau khi đạt đỉnh 96,7 tỷ đồng vào năm 2021, lợi nhuận của TAR khi bước sang năm 2022 chỉ còn 75 tỷ đồng, tương đương giảm 22% so với năm trước đó.
Trong diễn biến mới nhất, hồi giữa tháng 7, đại diện doanh nghiệp cho biết đã chốt được đơn hàng xuất khẩu 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Đơn hàng đến từ Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang, công ty con của TAR.
Mức giá bán trên được đánh giá là cao hơn đáng kể so với các nước xuất khẩu gạo lớn khác tại châu Á; đồng thời, thị trường Hàn Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ gạo “khó tính” với nhiều yêu cầu chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. Đơn hàng này dự kiến đã được thực hiện trong tháng 7.
Trước đó, trong năm 2021, TAR đã trúng 4 gói thầu xuất khẩu gạo với tổng khối lượng đạt khoảng 50.000 tấn sang Hàn Quốc, các lô hàng này đều có mức giá trúng thầu cao. Qua đó, chiếm 83% tổng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2021.
Đến năm 2022, doanh nghiệp này tiếp tục trung 4 gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường này với tổng khối lượng đạt hơn 68.000 tấn, chiếm 68,5% hạn ngạch nhập khẩu gạo hàng năm được Hàn Quốc phân bổ cho Việt nam.