Rối loạn hoảng loạn cần làm gì?
Rối loạn hoảng loạn là vấn đề thường xảy ra tuổi thanh thiếu niên, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 18-19 và tỷ lệ nữ giới bị bệnh cao hơn nam giới. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện khi một người chịu quá nhiều áp lực ở bất cứ lứa tuổi nào.
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chứng rối loạn hoảng loạn
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chứng rối loạn hoảng loạn, bao gồm:
Những đau buồn trong cuộc sống, ví dụ như người thân yêu của bạn bị bệnh nặng hoặc qua đời.
Bị tổn thương về tâm lý trong quá khứ, chẳng hạn như bị lạm dụng tình dục, thân thể hoặc tai nạn nghiêm trọng.
Những biến cố lớn trong đời ví dụ như ly hôn hoặc vừa trầm cảm sau sinh.
Hút quá nhiều thuốc lá và uống quá nhiều caffeine.
Tiền sử gia đình có người bị cơn hoảng loạn hoặc mắc chứng rối loạn hoảng sợ.
Cảm giác là kẻ vô dụng hoặc cảm giác tội lỗi chế ngự cảm xúc.
Cảm thấy cuộc đời không đáng sống.
Biểu hiện rối loạn hoảng loạn

Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn hoảng loạn, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Rối loạn hoảng loạn là một chứng bệnh của nhóm rối loạn lo âu. Cơn hoảng sợ là tình trạng tâm lý, là cảm giác sợ hãi cực độ và lo sợ điều tồi tệ sắp xảy ra. Cơn hoảng sợ thường ngắn và đột ngột và gây ra các phản ứng dữ dội ở cơ thể. Những cơn hoảng loạn và sợ hãi xuất hiện thường xuyên mặc dù không có nguyên nhân cụ thể nào. Chúng xuất hiện ở bất cứ nơi nào, tại bất kì thời điểm nào mà không hề có dấu hiệu báo trước. Do đó, người bệnh có xu hướng tránh xa những nơi mà cơn hoảng sợ xảy ra. Trong một số trường hợp, nỗi sợ lấn át người bệnh, khiến họ không thể rời khỏi nhà.
Là một rối loạn tâm lý vì vậy, ở những người khác nhau có các biểu hiện khác nhau. Thông thường một cơn hoảng loạn bao gồm ít nhất 4 dấu hiệu sau: Cảm giác mối nguy hiểm hoặc sự chết chóc sắp đến. Cần thoát ra khỏi. Tim đập nhanh. Đổ mồ hôi. Người bệnh sợ run. Thở ngắn hoặc cảm giác ngột ngạt. Cảm giác nghẹt thở. Ngực đau hoặc khó chịu. Buồn nôn hoặc khó chịu vùng bụng. Chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ. Cảm giác sự vật không có thực, giải thể nhân cách.
Ngoài ra, có thể người bệnh sợ mất kiểm soát hoặc phát điên. Sợ chết. Cảm giác châm chích. Ớn lạnh hoặc mặt đỏ bừng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu chúng ta có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn hoảng loạn, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Rối loạn hoảng loạn cũng có thể gây ra nhồi máu cơ tim. Vì vậy, bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị hiệu quả nhất. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Bạn hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Điều trị rối loạn hoảng loạn
Tùy mức độ bệnh, tùy từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Liệu pháp nhận thức hành vi sẽ được chỉ định, bệnh nhân cũng sẽ học được cách phân biệt hiện thực từ những ý nghĩ phi hiện thực và nhận bài tập về nhà để thực tập những gì đã học trong buổi trị liệu.
Những kĩ thuật này bệnh nhân có thể sử dụng tức thì và cho nhiều năm sau nữa.
Sự hỗ trợ của phụ huynh là quan trọng đối với sự thành công của việc điều trị cho bệnh nhân trẻ em . Nhà trị liệu có thể làm việc với bạn để đảm bảo tiến trình được thực hiện tại nhà và tại trường, và nhà trị liệu có thể đưa ra lời khuyên làm thế nào toàn bộ gia đình có thể xoay sở tốt nhất với những triệu chứng của con bạn.
Dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý hành vi cũng được chỉ định. Với trẻ em một công trình nghiên cứu lớn đã kết luận rằng việc kết hợp liệu pháp tâm lý hành vi và thuốc chống trầm cảm cho trẻ 7-17 tuổi thì hiệu quả hơn là điều trị đơn độc.
Đối với người thân, gia đình 1quá trình hồi phục có thể gây căng thẳng cho mọi người. Việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè và người thân là rất hữu ích. Và hãy ghi nhớ những điều sau:
Lắng nghe cảm xúc của con bạn.
Giữ bình tĩnh khi trẻ lo lắng về một tình huống hay sự kiện.
Nhận ra và khen ngợi những thành tích nhỏ của trẻ.
Không trừng phạt những sai phạm nhỏ hay sự thiếu tiến bộ của trẻ.
Mềm mỏng và cố gắng duy trì những sinh hoạt bình thường.
Lên kế hoạch cho việc thay đổi (ví dụ: cho thêm thời gian vào buổi sáng nếu việc đi học khó khăn đối với trẻ).
Tóm lại: Hoảng sợ hoặc rối loạn hoảng loạn là vấn đề có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Vì vậy, hãy điều trị các cơn hoảng sợ càng sớm càng tốt để giúp ngăn chặn tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Tuân thủ điều trị để giúp ngăn ngừa tái phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cơn hoảng sợ. Chế độ sống lành mạnh bao gồm rèn luyện thể thao, thư giãn luyện tập, chế độ ăn uống đầy đủ, tránh caffeine, rượu, thuốc lá, ma túy và ngủ đủ giấc có thể giúp bạn quản lý stress và tình trạng lo âu. Tham gia các nhóm hỗ trợ dành cho những người mắc rối loạn hoảng loạn hoặc rối loạn lo âu có thể giúp bạn kết nối với những người khác cũng đang gặp vấn đề tương tự.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/roi-loan-hoang-loan-can-lam-gi-169250722173258304.htm