Rơi vào tay Tào Ngụy, số phận 2 con gái Lưu Bị cuối cùng ra sao?
Bàn về thái độ của Lưu Bị đối với vợ con, có người cho rằng ông là người sẵn sàng vì đại nghiệp mà gác lại tình riêng, cũng có người nhận định ông sở hữu một đặc điểm giống như Hán Cao Tổ Lưu Bang – đó là thường xuyên vứt bỏ lại thân nhân của mình trong những lúc nguy cấp.
Trong số ba vị quân chủ nổi danh Tam Quốc năm xưa, Lưu Bị có thể xem là nhân vật sở hữu xuất phát điểm thiệt thòi hơn cả.
Bởi theo quan điểm của Qulishi, Tào Tháo và Tôn Quyền đều xuất thân từ giai cấp trung lưu trở lên, còn Lưu Bị từng sống trong cảnh bần hàn, phải đan giày, dệt chiếu để mưu sinh qua ngày.
Cũng bởi vậy mà trong những năm tháng chạy vạy khắp nơi để gây dựng đại nghiệp, Lưu Bị đã có những lần phải vì nghĩa lớn mà quên tình riêng, hy sinh gia đình, người thân của mình.
Thậm chí, hai người con gái của ông đã phải trở thành "chiến lợi phẩm" trong tay Tào Ngụy, buộc phải thành thân với kẻ địch. Và kết cục sau cùng của họ cho tới ngày nay vẫn là một điều bí ẩn gây tranh cãi đối với hậu thế.
Bi kịch của thân nhân Lưu Bị: Vì thân phận mà không ít lần bị đẩy vào hiểm cảnh
Bàn về thái độ của Lưu Bị đối với vợ con, có người cho rằng ông là người sẵn sàng vì đại nghiệp mà gác lại tình riêng, cũng có người nhận định ông sở hữu một đặc điểm giống như Hán Cao Tổ Lưu Bang – đó là thường xuyên vứt bỏ lại thân nhân của mình trong những lúc nguy cấp.
Trên thực tế, ở vào giai đoạn loạn lạc như thời Tam Quốc, người thân của một nhân vật có nhiều kẻ địch như Lưu Bị đã từng không ít lần bị đẩy vào hiểm cảnh.
Năm xưa ở vào thời điểm đầu gây dựng sự nghiệp, địa bàn đầu tiên mà Lưu Bị có được vốn là thành Từ Châu.
Ban đầu, ông từng thu nhận một ít dân tỵ nạn, dựa vào gia thế của em vợ Mi Trúc mà cung cấp cho họ quân lương, cuối cùng gom góp được một đoàn quân chỉ vẻn vẹn 3000 người, sau đó thành công giúp Từ Châu mục là Đào Khiêm ngăn cản Viên Thuật.
Hành động nhân nghĩa và hào hiệp của Lưu Huyền Đức năm đó đã cảm động được Đào Khiêm. Cũng bởi vậy mà trước lúc qua đời, ông đã giao lại thành Từ Châu cho Lưu Bị.
Thế nhưng vào thời điểm bấy giờ, cả Viên Thuật và Lữ Bố đều muốn có được thành trì ấy. Binh lực của Lưu Bị không đủ để địch lại, buộc phải mang theo tàn binh rời khỏi kinh thành trong cảnh thất thế.
Vợ con ông khi ấy đều bị Lữ Bố bắt làm con tin. Sau đó, Mi Trúc lại phải dùng tài sản cùng thế lực của gia tộc để giúp Lưu Bị cùng Lữ Bố đàm phán mới có thể chuộc lại vợ con mình.
Thế nhưng trên thực tế, đó không phải là lần duy nhất thân nhân của ông trở thành nạn nhân của những cuộc chinh chiến khốc liệt trong giai đoạn ấy.
Những giả thiết xoay quanh số phận bí ẩn về hai người con gái của Lưu Bị
Sử cũ ghi lại, năm 208, Tào Thuần và Tào Tháo dẫn quân về phía nam trong chiến dịch lấy Kinh Châu.
Tại trận Trường Bản, Tào Thuần một mực truy đuổi Lưu Bị và bắt được phu nhân cùng hai người con gái ruột của ông, kèm theo đó là nhiều vật tư, quân trang, quân dụng, binh sĩ xin đầu hàng...
Có tư liệu ghi lại rằng, ở vào thời điểm bị quân địch bắt sống, vợ của Lưu Bị vì thủ tiết nên đã nhảy giếng tự vẫn. Thế nhưng hai cô con gái của ông do tuổi còn trẻ nên không dám manh động, liền phải trở thành chiến lợi phẩm trong tay quân địch.
Vào thời điểm bấy giờ, Tào Thuần tuổi cũng đã sắp 50. Tuy nhiên hai cô con gái của Lưu Bị đều thuộc vào hàng sắc nước hương trời nên đã được vị tướng này thu về làm thiếp.
Thế nhưng chỉ vẻn vẹn hai năm sau đó, Tào Thuần đã qua đời, để lại hai mỹ nhân xinh đẹp trẻ trung sống trong cảnh góa bụa.
Tương truyền rằng Tào Tháo khi đó đã vừa mắt hai cô con gái của Lưu Bị, liền âm thầm nạp họ vào hậu cung và đưa về Đồng Tước đài.
Nếu giai thoại này là sự thật thì hai mỹ nhân họ Lưu ấy chẳng những phải chịu nhiều uất ức khi phải làm thê thiếp cho kẻ thù của cha mình mà còn phải trải qua quãng đời còn lại trong cô độc, u sầu.
Về kết cục của họ, cũng có giai thoại truyền lại rằng, hai vị mỹ nhân họ Lưu ấy về tay Tào Thuần sau khi Lưu Bị thất thủ trước Tào Tháo ở Từ Châu. Vị tướng này khi ấy dường như chẳng có chút tình cảm nào với họ nên chỉ cho làm tiểu thiếp phục vụ ở nhà.
Thậm chí có dị bản khác còn truyền lại rằng, hai người con gái họ Lưu ấy được gả cho con trai Tào Thuần và lưu lại trong phủ của ông với tư cách là con dâu.
Dù cho có không ít giả thiết xoay quanh kết cục sau cùng của họ, thế nhưng hầu hết đều chỉ là những lập luận mơ hồ và đầy tính suy đoán.
Thế nhưng có một điểm chung là không có bất kỳ tài liệu hay giai thoại nào đề cập tới việc Lưu Bị năm xưa có tìm cách đón con gái về hay không.
Có lẽ, chính sự loạn lạc của chiến tranh cùng nỗi niềm đau đáu hướng về đại nghiệp đã khiến vị quân chủ họ Lưu ấy buộc phải gác lại tình riêng để lo cho đại cục.
Hoặc cũng có thể, bởi vì không may sinh ra trong một xã hội trọng nam khinh nữ, cho nên cuộc đời và kết cục của hai người con gái thậm chí còn không được sử sách ghi lại tên tuổi ấy cũng trở nên mờ nhạt, bí ẩn và đẩy uẩn khúc như không ít những vị mỹ nhân cùng thời khác mà thôi…
- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: Tiền phong/CCTV.