Rời 'vùng an toàn' khởi nghiệp thành công

Từng có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước song vì nhiều lý do, không ít người quyết định bước ra khỏi 'vùng an toàn' để khởi nghiệp ở lĩnh vực mới và đã thành công.

Thành công ở lĩnh vực mới

Anh Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1987), quê ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FEC hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ thi công hệ thống xử lý khí thải, nước thải, thiết kế nhà xưởng, quan trắc môi trường. Vốn là giảng viên Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, có công việc ổn định nhiều người mơ ước song anh Quang luôn khát khao được thử sức ở lĩnh vực mới. Sau 4 năm đứng trên bục giảng và nhiều đêm trăn trở, năm 2016, anh quyết định bước ra thương trường.

 Anh Nguyễn Minh Quang hướng dẫn nhân viên kỹ thuật kiểm nghiệm chất lượng nước thải.

Anh Nguyễn Minh Quang hướng dẫn nhân viên kỹ thuật kiểm nghiệm chất lượng nước thải.

“Bố mẹ, chị gái tôi đều công tác trong cơ quan nhà nước. Vì thế, khi biết tôi bỏ biên chế chuyển sang lĩnh vực tư nhân, cả nhà không ai đồng tình", anh Quang chia sẻ. Sau khi thành lập doanh nghiệp, anh nỗ lực nghiên cứu công nghệ, tìm kiếm thị trường, không ngừng phát triển để khẳng định bản thân và chứng minh cho người thân thấy lựa chọn sự thay đổi của mình là đúng đắn.

Sau hơn một thập kỷ chuyển sang lĩnh vực mới, anh Quang đã xây dựng được uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp, phát triển chi nhánh ở hầu khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam; tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn FEC cán mốc 60 tỷ đồng. Cá nhân anh nhiều lần được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao danh hiệu "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc".

Tương tự, anh Hồ Thanh Bình (sinh năm 1987), Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương (thành phố Bắc Giang) cũng quyết định rời cơ quan nhà nước chuyển sang làm nghề tay trái. Trước đây, anh Bình công tác tại một đơn vị thuộc Sở Giao thông - Vận tải (nay là Sở Xây dựng).

Anh tâm sự: “Làm việc trong cơ quan nhà nước, tôi được phát huy kiến thức chuyên môn đã học nhưng thời gian chia sẻ, gánh vác công việc với gia đình lại hạn chế. Thời điểm đó (năm 2014), gia đình tôi thành lập Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương dành cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ chậm phát triển có môi trường giáo dục chuyên biệt để hòa nhập cuộc sống. Thấy vợ vừa chăm lo gia đình, vừa lo công việc ở Trung tâm rất vất vả, sau rất nhiều lần cân nhắc, tôi quyết định xin nghỉ việc cơ quan”.

Hiện nay, anh Bình đảm nhận công tác quản lý, điều hành Trung tâm, còn vợ anh quán xuyến công tác chuyên môn. Những kiến thức tiếp thu từ trường đại học và thực tiễn cuộc sống được anh Bình vận dụng hiệu quả trong công tác quản lý Trung tâm. Từ một cơ sở ban đầu có 7 học sinh, đến nay Trung tâm không ngừng phát triển, mở rộng quy mô, ngoài cơ sở tại thành phố Bắc Giang còn có 8 chi nhánh ở các huyện như: Lục Nam, Sơn Động, Hiệp Hòa… Hơn 10 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương đã trở thành địa điểm giúp hàng trăm trẻ tự kỷ, chậm phát triển có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Cơ hội thay đổi bản thân

Bằng kiến thức được đào tạo từ trường học, kinh nghiệm tích lũy, nắm bắt nhanh cơ hội phát triển, không chỉ riêng các anh Quang, Bình mà còn nhiều cá nhân khác đã thành công khi quyết định chọn lối đi riêng sau khi rời cơ quan nhà nước. Dù ở lĩnh vực nào, họ vẫn tiếp tục cống hiến, miệt mài lao động, tạo ra giá trị có ích cho gia đình, xã hội. Tiêu biểu như anh Trần Văn Thị từ một giáo viên chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, trở thành Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Sản xuất thương mại công nghệ mặt trời Suntech (Hiệp Hòa).

Công ty chuyên gia công tai nghe, sạc pin và một số linh kiện điện thoại cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 100 tỷ đồng. Hay như anh Lê Bá Chuẩn, cổ đông sáng lập, cố vấn vận hành hệ thống sản xuất tấm tôn lợp, vách ngăn thuộc Công ty cổ phần Thép Việt Xô Hà Nội (trước đây là chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang)…

Kinh nghiệm từ những người chuyển từ khu vực công sang lĩnh vực tư khởi nghiệp thành công nêu trên cho thấy việc chuyển đổi có thể coi là cơ hội để mỗi người thay đổi, thử sức ở lĩnh vực mới.

Cùng với cả nước, tại tỉnh Bắc Giang, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Với mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã; không tổ chức cấp huyện), dự kiến tới đây, hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sẽ phải rời khu vực công để tìm kiếm việc làm mới. Trong bối cảnh đó, không ít người lo ngại bị thất nghiệp. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những người chuyển từ khu vực công sang lĩnh vực tư khởi nghiệp thành công nêu trên cho thấy việc chuyển đổi có thể coi là cơ hội để mỗi người thay đổi, thử sức ở lĩnh vực mới.

Tại hội thảo chủ đề về “Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế” diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Nhìn ở khía cạnh khác, việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong giai đoạn này còn là cơ hội cho người lao động có dịp thay đổi, đánh thức những khả năng tiềm ẩn của bản thân”.

Để giúp cán bộ dôi dư tìm được cơ hội phát triển mới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, định hướng, gợi mở để họ tham gia các chương trình tái đào tạo, nâng cao trình độ phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Các ngân hàng có những chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm; tăng cường kết nối cung - cầu với khu vực tư nhân để tạo cơ hội việc làm mới cho người có nhu cầu.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/roi-vung-an-toan-khoi-nghiep-thanh-cong-postid415386.bbg