Rộn ràng điệu bài chòi ngày Xuân trên đất xứ Nẫu Bình Định

Những ngày tháng Chạp, khắp nẻo đường quê ở Bình Định, 'thượng chòi' vui hội ngày xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu. Không nơi nào như vùng đất này, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lại gần gũi trong hơi thở đời sống đương đại đến thế.

Trên dặm đường xuân qua xứ Nẫu Bình Định những ngày tháng Chạp, chúng ta sẽ nghe thấy lời mời gọi chào xuân của từ chủ nhà rằng: "Vô đây mời bạn vô đây/ Đầu xuân bạn đến nơi này cầu may/ Đã hơn nửa thế kỷ nay/ Giờ khôi phục lại trò chơi này, bà con ơi/ Vui xuân với hội Bài chòi/ Nói lên bản sắc quê tôi đậm đà/ Từ thiếu niên cho tới cụ già/ Ai cũng mến mộ lời ca, tiếng đàn...". Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định bắt đầu như thế.

Thượng chòi vui hội xuân

Dặm dài dải đất miền Trung từ Quảng Bình tới Khánh Hòa, bài chòi là nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về. Bởi thế mà người ta rủ nhau rằng: "Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để con nó khóc cho lòi rốn ra...". Sức hút của bài chòi lớn tới mức các anh hiệu, chị hiệu xướng lên như thế là rộn rã những tràng pháo tay giòn vang từ người chơi trên chòi, từ khán giả xung quanh.

Với người dân Bình Định, thượng chòi vui hội xuân là để vui, để gặp gỡ và phần nào là để cầu may đầu năm. Ảnh: Thu Dịu

Với người dân Bình Định, thượng chòi vui hội xuân là để vui, để gặp gỡ và phần nào là để cầu may đầu năm. Ảnh: Thu Dịu

Người chơi bài chòi không phải là để thắng thua mà để có dịp được gặp nhau, được ngồi với nhau, quan trọng là được sống lại trong một không gian văn hóa diễn xướng đậm chất mộc mạc của những làng quê ở miền Trung Việt Nam.

Bình Định là vùng đất nuôi dưỡng và gìn giữ di sản bài chòi rất tốt, từ mạch nguồn đó với những thế hệ anh, chị hiệu trao truyền cho nhau, để đến ngày xuân khắp nẻo đường quê lại giục giã câu thai ngày xuân mới.

Du khách thích thú với hội bài chòi xuân được tổ chức ở Bảo tàng Quang Trung vào dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Thu Dịu

Du khách thích thú với hội bài chòi xuân được tổ chức ở Bảo tàng Quang Trung vào dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Thu Dịu

Du khách nước ngoài thích thú khi được tham gia vào hội đánh bài chòi xuân. Ảnh: Thu Dịu

Du khách nước ngoài thích thú khi được tham gia vào hội đánh bài chòi xuân. Ảnh: Thu Dịu

Đêm hội bài chòi xuân trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vào tháng 2/2024 là một đêm vui như thế. Chúng tôi chia nhau lên chòi, mỗi chòi được phát 3 thẻ bài tương ứng với câu thai... Người chơi lắng nghe từng nhịp hô của anh, chị hiệu để khi xướng lên: "Một ông cũng để tui ra/ Hai ông cũng để tui ra/ Tui về tui buôn, tui bán/Tui trả nợ bán tráng, tui trả nợ bánh xèo/ Còn dư tui trả nợ thịt heo/ Ông đừng lầm tui nữa, kẻo mang nghèo về sau"... là con Nhì Nghèo – nghệ nhân trình diễn hô to con Nhì Nghèo, chúc mừng chòi nào có con Nhì Nghèo. Và ở phía chòi của chị em tôi, con Nhì Nghèo đã được giơ lên.

Hội đánh bài chòi được tổ chức tại Lễ hội chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước). Ảnh: Thu Dịu

Hội đánh bài chòi được tổ chức tại Lễ hội chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước). Ảnh: Thu Dịu

Rồi anh hiệu lại hô "Vai mang bị bạc kè kè/Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm" là con Ông Ầm... Cứ như thế, một hội bài chòi sẽ kết thúc khi có một chòi nhận đủ 3 thẻ bài. Các anh, chị hiệu dâng rượu, lì xì lấy may đầu năm. Chỉ thế thôi, người lên chòi vui khôn xiết, người xem hội cũng rạng rỡ, anh chị hiệu được thưởng những tràng pháo tay giòn tan...

Những người "neo giữ" hồn bài chòi

Trong các tỉnh thành miền Trung, tỉnh Bình Định được xem là vùng đất được coi là cái nôi của di sản này. Bài chòi ở Bình Định được phục dựng, lan tỏa sâu, rộng trong đời sống đương đại. Và khi nói về "sức sống của bài chòi trên đất Bình Định", thì những nghệ nhân dân gian thực hành bài chòi chính là mạch nguồn của sức sống này.

"Tiếng bài chòi trong gánh ve chai..." là một cách gọi dành riêng cho Nghệ nhân nhân dân (NNND) Minh Đức. 10 năm về trước, khi nhắc về bài chòi Bình Định, tôi đã được nghe nhiều người truyền tai nhau về người phụ nữ gánh ve chai mà tiếng hô bài chòi ngọt vang trong những dịp hội xuân ở Bình Định. Tiếng bài chòi trong gánh ve chai của bà đã vang từ lũy tre làng tới những đêm hát ở Tp.Quy Nhơn.

Sau nhiều năm miệt mài cống hiến, giữ hồn bài chòi, NNND Minh Đức bây giờ thường xuyên ở ghế giám khảo để chấm thi những đội, câu lạc bộ bài chòi trẻ. Nghệ nhân Minh Đức nói rằng, hô bài xuân luôn có một điều đặc biệt riêng với những anh, chị hiệu. Bởi vì bài chòi xuân, dù đêm hay ngày, dù ở đâu cũng được người nghe đón nhận, đó chính là niềm vui mà không cách nào đong đếm được của những nghệ nhân bài chòi.

Nghệ thuật bài chòi ở Bình Định được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, đặc biệt là việc tổ chức các cuộc liên hoan để nghệ thuật này lan tỏa sâu rộng. Ảnh: Thu Dịu

Nghệ thuật bài chòi ở Bình Định được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, đặc biệt là việc tổ chức các cuộc liên hoan để nghệ thuật này lan tỏa sâu rộng. Ảnh: Thu Dịu

Hay như Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Phú (Tuy Phước, Bình Định), người nắm giữ hơn 1.000 câu thai bài chòi, là địa chỉ tin cậy để các anh, chị hiệu tìm tới học nghề, tiếp lửa nghề. Đến nay, NSUT Nguyễn Phú vẫn miệt mài với việc bảo tồn di sản, ông không chỉ rèn luyện để trở thành một "anh hiệu" được người người mến mộ, yêu quý mà ông còn miệt mài với việc sưu tầm, sáng tác câu thai mới...

Từ những anh chị hiệu tên tuổi như NNND Minh Đức, NSƯT Nguyễn Phú, nhiều anh, chị hiệu trẻ nối gót người đi trước để lan tỏa bài chòi. Chị Trần Thị Như Thường (Phước Quang, Tuy Phước), một hiệu trẻ chia sẻ: "Tôi là hướng dẫn viên du lịch tự do, nhưng mê bài chòi nên mới tham gia vào các lớp tập huấn bài chòi của ngành văn hóa huyện tổ chức. Giờ đây tôi có thể tự tin hô bài chòi, vui nhất là có thể đứng cùng các cô chú nghệ nhân lão luyện để học nghề, để thành nghề và tiếp tục quảng bá di sản bài chòi quê hương".

Hô bài chòi ngày xuân ở Bình Định đã góp phần làm di sản này sống được trong đời sống hiện đại. Ảnh: Thu Dịu

Hô bài chòi ngày xuân ở Bình Định đã góp phần làm di sản này sống được trong đời sống hiện đại. Ảnh: Thu Dịu

Anh Nguyễn Thanh Ân – Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ bài chòi Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) - chia sẻ, bài chòi là di sản quý của cha ông ta. Lớp trẻ chúng tôi chỉ mong muốn làm sao để giữ gìn bài chòi, để có dịp hô bài chòi phục vụ bà con quê hương trong dịp tết đến xuân về. Xuân Ất Tỵ năm 2025, CLB đã mời cô Minh Đức (NNND Minh Đức) về tập huấn cho các thành viên, hội xuân năm nay có 8 hiệu nhí cùng trình diễn.

Ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định - cho hay: "Bài chòi Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh. Bình Định tích cực quảng bá di sản nghệ thuật bài chòi đến với đông đảo du khách gần xa thông qua các hội bài chòi xuân, các kỳ liên hoan và các đêm diễn bài chòi vào dịp cuối tuần ở Tp. Quy Nhơn".

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ron-rang-dieu-bai-choi-ngay-xuan-tren-dat-xu-nau-binh-dinh-204250118131026873.htm