Rộn ràng không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer
Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây (Tết chịu tuổi) là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/4. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi, nên được đồng bào coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi. Thời điểm này, còn hơn nửa tháng nữa mới chính thức diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây, nhưng tại các phum, sóc vùng đồng bào Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, không khí Tết cổ truyền đã hiện diện trên từng nếp nhà, sóc ấp.
Không khí chuẩn bị đón Tết rộn ràng
Có dịp về với đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... mới cảm nhận được không khí đón Tết truyền thống của đồng bào. Tuy chưa đến Tết nhưng những ngày qua, khi đi từng phum, sóc sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của đồng bào Khmer. Các gia đình Khmer, ngoài giờ lao động, sản xuất, đều tranh thủ sửa soạn, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa khang trang, sạch đẹp. Các nghệ nhân thì tập trung chỉnh sửa dụng cụ nhạc ngũ âm. Nam thanh, nữ tú mải mê ôn luyện những điệu múa truyền thống để chuẩn bị khoe tài, khoe sắc trong những ngày Tết sắp đến...
Càng gần những ngày Tết, không khí càng hân hoan, tưng bừng. Chùa Buôl Pres Phek (chùa Bốn Mặt) ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer lớn và thu hút phật tử đến vào mỗi dịp lễ, Tết nhiều nhất tỉnh. Để chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây, năm nay, Ban quản trị chùa còn phối hợp với xã tổ chức một số môn thể thao như: bóng chuyền, kéo co, nhảy bao, đập bóng nước. Mấy ngày qua, nhiều thành viên Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ chùa còn đến chùa tập nhảy lâm thôn và một số bài hát để biểu diễn trong đêm 14 và 15/4.
Thượng tọa Thạch Bonl, Trụ trì chùa Buôl Pres Phek bày tỏ: “Để chuẩn bị Tết Chôl Chnăm Thmây, chùa đã trang hoàng lại các công trình, hạng mục, treo cờ tạo mỹ quan cho khuôn viên chùa. Đây là Tết lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer nên chúng tôi phải chuẩn bị trang hoàng đẹp nhất, với hy vọng năm mới bà con phật tử hưởng mọi điều tốt lành, hạnh phúc. Tuy là ngày Tết lớn nhất trong năm, nhưng chùa chỉ tổ chức với hình thức gọn nhẹ mà vẫn đảm bảo đầy đủ các lễ nghi, phong tục truyền thống”.
Sự đổi thay, sung túc ở phum, sóc hiện rõ qua việc tổ chức đón Tết của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Hòa thượng Tăng Nô, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cảm nhận, ông rất vui khi mỗi lần Tết mới là thêm một lần chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Khmer. Sức sống mới thể hiện trên gương mặt phấn khởi của từng người; trên màu từng nếp nhà vừa được xây dựng, sửa sang khang trang; trên từng mâm cơm cúng tổ tiên, dâng các nhà sư với tất cả sự thành kính... Đó là nhờ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Chính phủ, các bộ, ngành dành cho đồng bào Khmer. “Những năm gần đây, bà con Khmer luôn ý thức chi tiêu tiết kiệm trong các dịp lễ, Tết truyền thống. Đây còn là dịp để đồng bào Khmer thắt chặt tình đoàn kết với đồng bào Kinh” - Hòa thượng Tăng Nô chia sẻ.
Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón Tết vui tươi, ấm áp, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành chức năng, địa phương tổ chức một số hoạt động như: họp mặt các vị sư sãi, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc Khmer; tổ chức đoàn đi thăm, chúc Tết, tặng quà Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh.
Đời sống đồng bào Khmer chuyển biến tích cực
Để giúp bà con cải thiện cuộc sống, ngoài những chính sách chung, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù. Anh Thạch Sô Phia, ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Nhờ tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm, gia đình anh Sô Phia từng bước cải thiện cuộc sống, năm 2022, anh đã tự nguyện xin thoát nghèo. Anh Sô Phia chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây hoàn cảnh khó khăn, áp lực rất lớn về kinh tế, được hỗ trợ vay vốn để nuôi bò và trồng chanh, tôi đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý trong sản xuất cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng nên cuộc sống đã ngày một khấm khá hơn”.
Bà Sơn Thị Thiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú cho biết: “Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước, không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, thông qua các chính sách đầu tư đã có tác động lớn, làm thay đổi cơ bản diện mạo các phum, sóc. Đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Đến nay, Sóc Trăng có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 67/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 83,75%), trong đó, có 25% xã nông thôn mới nâng cao; hộ nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 3,58% vào cuối năm 2023; các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế; 100% đường ô tô đến trung tâm xã và được phủ sóng phát thanh – truyền hình, bảo đảm nhu cầu về tinh thần của người dân; 99,65% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
“Hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số đều được tiếp cận các dịch vụ xã hội; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào tiếp tục được chú trọng thực hiện; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn, phát huy. Với những kết quả đạt được đã góp phần rất lớn vào vấn đề cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống” - ông Mẫn nói.