Nghề làm heo đất là một trong những ngành nghề truyền thống có mặt lâu đời trên vùng đất Lái Thiêu, Bình Dương. Trải qua thăng trầm của thời gian, làng nghề làm heo đất đặc biệt này vẫn được các thế hệ sau gìn giữ và phát triển đến hôm nay.
Từ nguồn nguyên liệu đất sẵn có và bàn tay khéo léo những người đã tạo ra những chú heo đất ngộ nghĩnh đáng yêu - món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của biết bao người. Ảnh: DI LINH
Trong thời gian gần đây, vì vấn đề môi trường nên những lò làm heo đất ở Lái Thiêu được di chuyển tới khu vực xa dân cư. Ảnh: DI LINH
Người dân Lái Thiêu nhập heo đã được nung sẵn từ các nơi khác và tự trang trí theo phong cách riêng của mình. Ảnh: DI LINH
Ghi nhận của PV PLO tại làng nghề làm heo đất, các xưởng sản xuất, trang trí heo đất ở phường Lái Thiêu, các hộ gia đình vẫn đang tất bật sản xuất những mẻ hàng để chuyển cho thương lái xuất bán ra thị trường mặc dù năm nay sức mua có phần giảm nhiều. Ảnh: DI LINH
Theo ông Nguyễn Thành Tâm – Chủ hộ gia công heo đất: “Do đặc thù nghề này nhộn nhịp vào dịp cuối năm và đầu năm. Thông thường bạn hàng mua sỉ để bán ra đầu năm. Năm nay bán rất chậm nhưng vẫn phải bán để giữ nghề. So với năm ngoái, năm nay đơn hàng của mình giảm trên 60%”. Ảnh: DI LINH
Để có được một con heo đất thành phẩm người thợ phải trải qua nhiều công đoạn từ đánh đất, đổ khuôn đến nung trong lò nhiều giờ đồng hồ, rồi chà nhám gọt tỉa, chỉnh sửa những phần dư thừa và cuối cùng là trang trí. Ảnh: DI LINH
Theo những người thợ tại làng nghề làm heo đất thì công đoạn tạo khuôn ban đầu là phức tạp và mất nhiều thời gian nhất. Ảnh: DI LINH
Theo anh Nguyễn Minh Tiến – Chủ cơ sở lò nung heo đất: “Tạo hình cho heo đất là khó nhất. Bởi, phải đắp đổ khuôn và đúc. Khi nung phải canh nhiệt độ”. Ảnh: DI LINH
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, các hộ dân đã “cách tân” thay đổi con vật theo từng năm. Ảnh: DI LINH
Năm nay, các cơ sở bắt tay vào sản xuất “rồng vàng", với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đa dạng. Ảnh: DI LINH
Tại cơ sở heo đất Thu Sương ở phường Lái Thiêu, rồng vàng và heo đất được xếp thành hàng chờ được “trang điểm”. Ảnh: DI LINH
Các sản phẩm thường có nhiều hoa văn, chữ tài, lộc, đồng tiền... tượng trưng cho một năm tươi sáng, may mắn và tài lộc. Ảnh: DI LINH
Theo anh Trần Trương Long – Chủ cơ sở trang trí heo đất Thu Sương: “Mỗi năm đều có linh vật, năm nay là con rồng, cơ sở mình có ba mẫu là rồng ôm trái tim, rồng ôm chuỗi vàng, rồng phun nước tài lộc và hai mẫu thạch cao. Với linh vật của năm mình sẽ trang trí cầu kì hơn so với các con vật khác”. Ảnh: DI LINH
Có tận mắt quan sát công đoạn trang trí tại làng nghề làm heo đất Lái Thiêu (Bình Dương), mới thấy được sự phong phú và cầu kì của công đoạn này như thế nào. Ảnh: DI LINH
Giá thành của con heo đất truyền thống bán tại lò chỉ khoảng 6.000 đồng, với loại heo vẽ trang trí thì tầm 15.000 đồng cho một con kích thước nhỏ… Các loại càng cầu kì và kích cỡ lớn thì giá trị càng cao, có khi lên đến vài trăm ngàn đồng. Ảnh: DI LINH
Mỗi dịp Tết đến xuân về, làng heo đất lại tấp nập. Dù gặp không ít khó khăn nhưng với những người thợ ở đây, bám nghề làm heo đất không chỉ là nỗi lo kinh tế mà còn là trách nhiệm của lớp cháu con phải giữ gìn truyền thống của cha ông. Ảnh: DI LINH