Rộn ràng mùa thu hoạch cá ruộng

Thời điểm này, nhiều cánh đồng thuộc các xã vùng trũng của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch cá ruộng. Khác với năm trước, năm nay, nguồn nước dồi dào, cá lớn nhanh, giá cao, lại dễ bán nên các hộ dân hết sức phấn khởi.

Cá ruộng sử dụng thức ăn tự nhiên nên được người tiêu dùng ưa chuộng

Cá ruộng sử dụng thức ăn tự nhiên nên được người tiêu dùng ưa chuộng

Sau hơn 5 tháng thả nuôi, gia đình anh Phạm Văn Khởi (xã Đức Long, huyện Nho Quan) tổ chức thu hoạch cá để trả ruộng cho bà con chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Trên bờ, 2 chiếc xe tải của thương lái sẵn sàng chờ cân cá. Dưới ruộng, hơn 20 người ra sức kéo, khi vòng cung lưới dần thu hẹp, những chú cá rối rít bật nhảy rào rào. Không ít người dân trong làng hiếu kỳ nán lại đứng xem, chỉ trỏ, trầm trồ: con cá chép này to, con cá chuối kia ngon... không khí vô cùng rộn ràng.

Vừa đôn đốc người làm, anh Khởi vừa chia sẻ với chúng tôi: "Năm nay, mưa nhiều, nguồn nước dồi dào, lúa chét, phù du, rong rêu nhiều, cá tự ăn, tự lớn, chẳng tốn một đồng thức ăn nào. Trên 8 mẫu ruộng này, năm ngoái gia đình chỉ thu được 1,5 tấn cá nhưng năm nay được hẳn 2 tấn. Điều đáng mừng hơn cả là sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cá khó tiêu thụ, giá giảm mạnh thì năm nay việc giao thương đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện trung bình giá cá chép vào khoảng 40 nghìn đồng/kg, cá trắm 45 nghìn đồng/kg (cao gần gấp đôi so với thời điểm này của năm 2021).

Cánh đồng thôn An Ninh, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn trông có vẻ hoang vu, trơ trọi nhưng dưới mặt nước im lìm đó là rất nhiều cá. Anh Trần Quang Động, một hộ nuôi cá ruộng ở đây, cho biết: Vài hôm nữa, mới gạn nước, thu cá nhưng anh chắc chắn sản lượng không dưới 15 tấn.

Cũng theo anh Động, ở vùng này, vào mùa mưa thường xuyên bị ngập úng nên cấy lúa không hiệu quả. Hơn nữa, lao động giờ chuyển đi công ty hết, không có người làm. Do vậy, nhiều năm nay, anh cùng với một số hộ dân khác bảo nhau thuê lại ruộng của bà con để thả cá. Cách làm này, chỉ mất ít tiền mua con giống, còn thức ăn, công chăm sóc không đáng mấy nhưng hiệu quả vẫn cao hơn làm lúa. Như năm nay, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh sẽ có khoản lãi khoảng 300 triệu đồng.

Do cá ruộng sinh trưởng phát triển trong một không gian mặt nước rộng lớn, lại sử dụng thức ăn là rong rêu, phù du, ốc, lúa chét hoàn toàn tự nhiên nên thịt rắn chắc, thơm ngon và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Không khí thu hoạch cá ruộng rất sôi động.

Ông Mai Trọng Đạt, một thương lái cho biết: "Cá ruộng mà ruộng ở vùng Nho Quan, Gia Viễn thì nhất rồi, bán cho người ăn họ thích lắm! Riêng vụ cá năm nay, tôi đã lấy hàng trăm tấn cá ở vùng này xuất bán đi khắp mọi nơi từ Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình... Giá cá năm nay cao hơn mọi năm từ 7-8 giá nên trung bình mỗi hộ làm cá ruộng cũng lãi khoảng trên dưới 100 triệu đồng.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nhờ ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và lợi nhuận đạt khá mà trong vài năm gần đây nuôi cá ruộng trở thành mô hình được nhiều hộ dân ở các vùng trũng thấp lựa chọn để thay thế sản xuất lúa vụ 2 kém hiệu quả. Ngoài giá trị về kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên, làm tăng độ phì nhiêu của đất. Hơn nữa, các loại cá sẽ ăn rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại nên sẽ giúp giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo.

Để hỗ trợ bà con nâng cao năng suất, hiệu quả của mô hình, Chi cục Thủy sản thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn cụ thể từ công tác chuẩn bị cải tạo khu nuôi, đến việc xác định cơ cấu giống thả cũng như các phương pháp chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá. Đến thời điểm này, có thể đánh giá, vụ cá ruộng 2022 là vụ sản xuất thắng lợi.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ron-rang-mua-thu-hoach-ca-ruong/d2022111009108884.htm