Rộn ràng Tết Bunpimay nơi 'làng đảo' Buôn Đôn, Đắk Lắk
Những ngày này, người Việt gốc Lào sinh sống tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang hòa mình vào không khí rộn ràng dịp Tết Bunpimay –Tết Lào. Sau hơn 3 năm bị tạm hoãn do dịch bệnh, năm nay các hoạt động vui tết cổ truyền của dân tộc Lào được tổ chức trở lại tại 'làng đảo' Buôn Đôn với quy mô hoành tráng, bài bản, nhiều chương trình hấp dẫn.
Rút sợi chỉ màu đã được thắt sẵn từ tráp đựng lễ vật bằng bạc, bà Nang Đăm Lào, ở buôn Trí, xã Krông Na nhanh tay hơ đầu sợi chỉ trên nến sáp ong rồi nhúng vào ly nước nguội, sau đó làm lễ trên cổ tay của người khách quý ngồi đối diện. Bà lẩm nhẩm lời cầu chúc may mắn, bình an trong năm mới. Theo bà Nang Đăm Lào, đây là nghi thức truyền thống của người Lào được thực hiện trong nhiều dịp lễ quan trọng, đặc biệt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền Bunpimay, được người dân địa phương lưu giữ đến ngày nay.
"Tết Lào thì mỗi năm con cháu đến thăm là tổ chức buộc chỉ tay chúc may mắn, năm mới mạnh khỏe. Đây là phong tục truyền thống, trong đám cưới cũng có, rồi chúc may mắn trong năm mới như thế này cũng không bỏ được" - bà Nang Đăm Lào nói.
Tết Lào hay còn gọi là Bunpimay, là Tết theo Phật lịch ở Lào, được tổ chức từ ngày 14 - 16 hàng năm tại Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn – nơi có cộng đồng người Việt gốc Lào sinh sống từ hàng trăm năm nay. Trong những ngày Tết, người dân sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi truyền thống như té nước, buộc chỉ cổ tay, nghi lễ tắm phật, thả đèn hoa đăng trên sông, biểu diễn âm nhạc truyền thống, múa lăm-vông… với những ý nghĩa tốt đẹp hướng về cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc.
Bà H Chong Adrơng, người Mnông – Lào ở buôn Trí kể: "Thường là tháng Tư năm nào cũng có, đây là tết cổ truyền vui chơi kéo dài 2-3 ngày, tổ chức các hoạt động té nước, cột chỉ tay chúc sức khỏe. Dân ở đây rất vui".
Theo ông Phạm Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cộng đồng người Việt gốc Lào tại huyện Buôn Đôn hiện có khoảng 100 hộ dân với hơn 300 người, sinh sống tập trung tại buôn Trí, xã Krông Na. Trải qua hàng trăm năm định cư, người dân vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tín ngưỡng, ẩm thực và trang phục. Với sự cộng cư đan xen của nhiều dân tộc như Ê Đê, Mnông, Kinh đã tạo nên một vùng dân cư đa văn hóa rất đặc sắc, là điểm nhấn về du lịch tại địa phương.
Trong những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp tổ chức Tết Bunpimay nhằm tạo không gian giao lưu văn hóa cho người dân địa phương, đồng thời định hướng trở thành sự kiện văn hóa có quy mô lớn hơn để phát triển du lịch.
Ông Phạm Trung Nghĩa nói: "Dịp Tết Bunpimay của người Lào thì huyện cũng đã có chương trình tổ chức lễ tết cho người Lào trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Trong năm 2023 này thì huyện cũng cố gắng tổ chức cái tết tốt hơn, vì các năm trước liên quan đến dịch Covid-19 thì cũng không tổ chức được. Năm nay kế hoạch tổ chức lễ cũng như Tết Bunpimay của người Lào được phối hợp chặt chẽ giữa huyện và xã cũng như các ban ngành, để cố gắng làm sao khởi động lại hoạt động lễ tết của người Lào nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương".
Với nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Lào và có những điều kiện tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã được tỉnh Đắk Lắk lựa chọn để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong năm nay. Việc duy trì và nâng tầm hoạt động Tết Lào được kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị tích cực trong việc thu hút du khách, tạo nguồn thu nhập cho người dân thông qua những giá trị văn hóa truyền thống./.