Rộn ràng tiếng hát đầu xuân

Văn hóa, văn nghệ quần chúng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Những ngày đầu xuân mới, những nghệ sĩ 'chân đất' hăng say biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ để mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương đổi mới… Những lời ca, tiếng hát mộc mạc ấy đã nhân lên niềm vui, lạc quan trong cuộc sống.

CLB chèo Liên Sơn trong một buổi tập luyện.

CLB chèo Liên Sơn trong một buổi tập luyện.

Có dịp về thăm xã Liên Sơn (huyện Gia Viễn) vào những ngày đầu xuân năm mới, du khách gần xa đều mê mải bởi những làn điệu hát chèo, những bản nhạc được tấu lên từ những nhạc cụ dân tộc như nhị, sáo, trống… Sau nhiều tiết mục biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân; mừng thọ người cao tuổi trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, hiện nay, các thành viên trong CLB chèo Liên Sơn đang tập luyện để hoàn thiện các tiết mục chuẩn bị biểu diễn tại Đền Thung Lau, Thung Lá (xã Gia Hưng) trong những ngày sắp tới. Ngoài những làn điệu chèo cổ, CLB cũng sẽ biểu diễn những bài được viết lời mới, ca ngợi sự thay đổi của quê hương, đất nước.

Ông Lê Văn Hào, Chủ nhiệm CLB chèo Liên Sơn cho biết: Nghệ thuật hát chèo không phải là thế mạnh của vùng quê Gia Viễn. Dẫu vậy, từ bao đời nay, nhiều thế hệ mê chèo ở Liên Sơn vẫn hát bằng niềm đam mê và ước vọng đưa môn nghệ thuật này về với địa phương. Dần dần, hát chèo được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân Liên Sơn và lặng lẽ truyền nối từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Để tập hợp được những người mê chèo, cùng nhau gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát chèo tại quê hương Liên Sơn, năm 2018, chúng tôi đã thành lập CLB hát chèo. Đến nay, CLB đã thu hút hơn 40 thành viên, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất mới 15 tuổi, bậc cao niên nhất là một nhạc công năm nay đã 82 tuổi.

Phần lớn, thành viên của CLB là nông dân, công nhân. Bận rộn, vất vả với công việc nhà nông song các thành viên đều hăng say tham gia vào đội văn nghệ. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con vào những ngày lễ, tết, đội văn nghệ còn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa, được nhân dân tiếp nhận rất hiệu quả.

Thôn Đồi Bồ, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) là nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Với người dân ở đây, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng và gắn bó gần như trọn vẹn đời sống của bà con. Mỗi độ tết đến, xuân về, làng mở hội, người dân trong thôn lại có dịp thưởng thức tiết mục cồng chiêng đặc sắc để tăng thêm niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Bà Bùi Thị Tuất, trưởng thôn Đồi Bồ cho biết, trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường, tiếng cồng chiêng có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nhất là trong những ngày đầu xuân năm mới, tiếng cồng chiêng rộn ràng như thúc giục khí thế hăng say sản xuất, xua tan những điềm dữ, mang tới điều lành trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no… Bên cạnh biểu diễn cồng chiêng, dịp đầu năm con cháu tề tựu đủ đầy cũng là dịp những người cao niên trong thôn lại kể những câu chuyện xúc động về chiêng cho thế hệ trẻ nghe. Từ đó, bồi tụ lòng tự hào cho thế hệ trẻ về văn hóa cồng chiêng của cha ông. Ngoài ra, các thành viên của đội chiêng còn được mời đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi và đây cũng chính là dịp để các thành viên giới thiệu được cái hay, cái đặc sắc của văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường.

Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) cho biết: Những năm qua, đời sống kinh tế của nhân dân xã Thạch Bình đã có sự cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, người dân cũng không ngừng nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của bản thân và gia đình mình. Với sự ra đời và hoạt động rất hiệu quả của các đội văn nghệ, đội cồng chiêng… đã phần nào đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, nhất là khi họ chính là chủ thể của những chương trình, tiết mục văn nghệ ấy. Địa phương rất khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các CLB văn nghệ, thể thao quần chúng được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, từ đó thu hút sự tham gia tích cực của mỗi người dân. Đời sống tinh thần được nâng cao, nhân dân càng hăng say phát triển kinh tế để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Không cầu kỳ như nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng với sức bền bỉ, dẻo dai và lòng nhiệt huyết, các CLB, đội văn nghệ quần chúng lại bắt nhịp rất tốt vào cuộc sống của người dân lao động ở khắp các làng quê, làm phong phú món ăn tinh thần cho chính họ.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn, giao lưu, thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa. Qua đó, góp phần gìn giữ những môn nghệ thuật truyền thống, đặc trưng của từng vùng, miền. Điển hình như: CLB hát chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa Sạp; Cồng Chiêng; hát Đúm; Sắc bùa; Hát giao duyên tiếng Mường; Giai điệu Mường xưa…

Đào Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ron-rang-tieng-hat-dau-xuan/d20230130205516136.htm